Hoạt động cảng biển đứng vững trước đại dịch
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có một năm sôi động bất chấp các dự báo về ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, được thúc đẩy bởi các giá trị xuất khẩu tăng cao đột biến, chủ yếu đóng góp bởi các đơn hàng đi Mỹ. Chính vì thế sản lượng hàng hóa giao thương tại các cảng biển cũng nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng sau khi chịu thiệt hại trong quý II/2020.
Ước tính của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 11 tháng năm 2020 là hơn 629,7 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ đó, theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), các cảng biển tại Việt Nam đã ghi nhận tổng sản lượng container thông qua cảng tăng trưởng 12% trong 9 tháng năm 2020. Đáng chú ý, các cảng biển Việt Nam gần đây đã được đầu tư đồng bộ, từ đó tăng sức cạnh tranh và có thể đón các loại tàu cỡ lớn.
Theo các chuyên gia kinh tế, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA)… cũng như những quan ngại về rắc rối liên quan tới thuế quan đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ vẫn đang tiếp diễn sẽ mang lại cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sau khi dịch.
Fitch Solutions dự báo kim ngạch thương mại Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 11% từ 2021- 2024 nhờ sự thúc đẩy đáng kể và tăng cường quan hệ thương mại song phương với một số quốc gia theo các Hiệp định EVFTA và RCEP đã ký gần đây.
Bên cạnh động lực từ xu hướng mang tính cấu trúc tác động dài hạn nói trên, sự phục hồi của hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như tại các quốc gia đối tác xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng của hoạt động thương mại trong năm 2021. Có quan hệ mật thiết với hoạt động thương mại, từ đó, ngành cảng biển được dự báo sẽ tiếp tục có một năm thăng hoa trong năm 2021.
Doanh nghiệp cảng biển hưởng lợi
Nằm ở cửa ngõ phía Nam đất nước, Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng biển sầm uất nhất Việt Nam. Cụm cảng sở hữu lợi thế vượt trội so với các cụm cảng khác nhờ vào hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến với mực nước sâu 14m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến 200.000 DWT. Khả năng kết nối kém với các vùng kinh tế trọng điểm là vấn đề chính cản trở sự phát triển của Cái Mép - Thị Vải trong quá khứ, nhưng điều này đã được giải quyết bằng việc đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường kết nối cụm cảng với cầu Phước An, cao tốc Bến Lức - Long Thành, và TP. Biên Hòa. Tổng lượng container thông qua cảng tăng trưởng với tốc độ CAGR 23% trong giai đoạn 2015-2019 và tăng 19% trong 9 tháng 2020. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đang trở thành khu vực cảng biển nước sâu đầy triển vọng tại Việt Nam.
Đón cơ hội từ những tác động trên, Công ty CP Gemadept (GMD) đã lắp đặt hoàn thiện, chuẩn bị cho khai thác thương mại cảng nước sâu Gemalink vào đầu năm 2021, và đưa năng lực bốc dỡ của GMD tại Vũng Tàu lên 1,5 triệu TEU/năm.
Theo giới phân tích, GMD có thể tận dụng lợi thế về công suất khả dụng của cảng này, khi các đối thủ khác cùng phân khúc tại hai khu vực này đang hoạt động ở mức công suất toàn dụng, để nhanh chóng thu hút hãng tàu, gia tăng sản lượng khai thác trong bối cảnh sản lượng container thông quan tại khu vực Cái Mép đang tăng trưởng nhanh với tốc độ trung bình 20%/năm.
“Đây là nền tảng vững chắc để GMD nắm bắt xu hướng gia tăng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trong những năm tới trong bối cảnh các tập đoàn trên thế giới tiếp tục quá trình dịch chuyển hoạt động sản xuất tới Việt Nam” - ông Đỗ Thanh Tùng - chuyên viên phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt - đánh giá.
Cùng với các doanh nghiệp vận hành cảng Cái Mép - Thị Vải, các đơn vị khác như Công ty CP Cảng Sài Gòn, Đại lý Giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng, Vận tải và xếp dỡ Hải An... cũng sẽ được hưởng lợi từ hoạt động thương mại tăng trưởng.