NHỮNG THÔNG TIN SƠ LƯỢC VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC QUỐC GIA PHẦN 2 – QUỐC GIA THÁI LAN

Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thành phố Hải Phòng

FTAs Hải Phòng

Thương mại điện tử Hải Phòng

Logistics Hải Phòng

CỔNG THÔNG TIN
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Home TIN TỨC - SỰ KIỆN

NHỮNG THÔNG TIN SƠ LƯỢC VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC QUỐC GIA PHẦN 2 – QUỐC GIA THÁI LAN

21-08-2023 09:52 AM
Thái Lan hiện là một nước công nghiệp mới (trước vốn là nước nông nghiệp truyền thống). Bắt đầu từ năm 1960 Thái Lan thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội lần thứ nhất. Những năm 1970 Thái thực hiện chính sách "hướng xuất khẩu", ASEAN, Mỹ, Nhật, EC là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan. Ngành công nghiệp và dịch vụ đã dần dần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và vai trò của nông nghiệp giảm dần. Ngành du lịch cũng đóng vai trò tích cực. Thái Lan đã triển khai Chiến lược Phát triển Quốc gia 20 năm (2016 - 2035) và từ tháng 10/2016 thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội 5 năm lần thứ 12 (2017 - 2021). Các hiệp định thương mại tự do Thái Lan đang tham gia gồm: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA); FTA Thái Lan - Australia (1/2005); FTA Thái Lan - Newzealand (4/2005); FTA Thái Lan - Nhật Bản (4/2007); FTA Thái Lan - Trung Quốc; FTA Thái Lan - Peru và FTA Thái Lan - Chile... Biện pháp phòng vệ thương mại được Thái Lan sử dụng nhiều nhất trong 10 năm qua là chống bán phá giá. Điển hình gần đây nhất là các đề xuất chống bán phá giá của ngành thép Thái Lan trước quyết định của Mỹ về việc đánh thuế cao đối với thép nhập khẩu. Theo số liệu  từ Ngân hàng thế giới, năm 2020, giá trị nhập khẩu của Thái Lan giảm -39,58 tỷ USD so với năm trước đó, tức giảm -14,50% so với 272,92 tỷ USD của năm 2019. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài luôn được Thái Lan coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế. Mặc dù dòng vốn nước ngoài suy giảm do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, nhưng nhờ biết cách tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái…, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thái Lan vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn.  

QUAN HỆ HỢP TÁC VỚI VIỆT NAM

1. Quan hệ ngoại giao

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976, song quan hệ Việt Nam - Thái Lan chỉ bắt đầu khởi sắc từ sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng (tháng 9-1978). Từ năm 1993 đến nay, quan hệ giữa hai nước dần được cải thiện và phát triển mạnh, đánh dấu bằng chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 10-1993). Năm 1995, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã vượt qua nhiều thách thức, không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển, nhất là kể từ khi hai nước ra Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Thái Lan trong thập niên đầu của thế kỷ XXI (tháng 2-2004). Đặc biệt, nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 6-2013), Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược” và trở thành hai nước trong khối ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhau. Tiếp đó, hai bên đã ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014 - 2018, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan-o-cha (tháng 11-2014).   Hai nước tăng cường hợp tác chặt chẽ và luôn hỗ trợ nhau trong các khuôn khổ hợp tác tiểu khu vực, khu vực, như Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC),... và trong quan hệ đa phương tại các diễn đàn quốc tế, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Liên hợp quốc,... Đặc biệt, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập từ ngày 31-12-2015, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy sự phối hợp để phát huy hiệu quả vai trò của Cộng đồng, đồng thời củng cố sự đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.
  1. Quan hệ hợp tác Thương mại
Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 11%/năm. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. Ba tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,4%. Tuy nhiên, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan trong những năm qua luôn ở trạng thái không cân bằng với mức thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam. Mức thâm hụt trong quan hệ thương mại Việt Nam - Thái Lan ngày càng lớn, tăng từ 1,43 tỷ USD năm 2004 lên 7,11 tỷ USD năm 2018 và 5,54 tỷ USD năm 2020. Nhóm các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Thái Lan bao gồm điện thoại, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu những mặt hàng từ Thái Lan, như: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, nguyên liệu, hàng điện gia dụng và linh kiện. Để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD như Thủ tướng hai nước đã đặt ra, tại Kỳ họp lần thứ 4 Uỷ ban Hỗn hợp Thương mại Việt Nam - Thái Lan tổ chức ngày 20/4/2022 tại Băng Cốc (đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu) hai bên đã thống nhất một số định hướng, giải pháp, kế hoạch hoạt động cụ thể cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn hậu Covid.

3.     Hợp tác đầu tư và hợp tác phát triển

  Tính đến 31/12//2021, Thái Lan có 645 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 13 tỷ USD, đứng thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN có đầu tư vào Việt Nam, sau Singapore. Quy mô dự án bình quân là 20,1 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung là 11,8 triệu USD/dự án. Trong năm 2021 Thái Lan đầu tư 35 dự án mới, 20 dự án tăng vốn và 37 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký là 349,47 triệu USD, đứng thứ 11/106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, với 153 dự án đầu tư và tổng số vốn đăng ký là 1,54 tỉ USD, Thái lan đứng thứ 12 trong danh sách 79 nước và vùng lãnh thổ và đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. FDI của Thái Lan những năm gần đây: Năm 2015, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam chỉ đạt 337,35 triệu USD nhưng đến năm 2016 có bước tăng đột biến. Riêng trong năm 2016 này, Thái Lan đã đầu tư 35 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 732 triệu USD tăng gấp 2,17 lần so với năm 2015. Các năm sau đó (2017-2019), đầu tư của Thái Lan ổn định, năm 2017 là 624,9 triệu USD, 2018 là 762,91 triệu USD, năm 2019 đạt 927,12 triệu USD. Đến năm 2020 đầu tư của Thái Lan tăng vọt lên 1,8 tỷ USD chủ yếu do dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam (Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn) tăng vốn vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD, tổng vốn đầu tư của dự án này đạt 5,156 tỷ USD. Năm 2021 do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư của Thái Lan trong năm 2021 chỉ đạt là 349,73 triệu USD bằng 19% so với năm 2020. Tuy nhiên số lượng dự án cấp mới năm 2021 vẫn đạt 35 dự án cấp mới, chỉ giảm 14,7% so với năm 2020. Điều đó thấy rằng các nhà đầu tư Thái Lan vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam, và những khó khăn dịch bệnh trước mắt chỉ là tạm thời.   Về quy mô đầu tư: Trong số các dự án FDI của Thái Lan tại Việt Nam chỉ có 1 dự án vốn đầu tư trên 1 tỷ USD (Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam – Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn), chiếm 0,2% số dự án nhưng chiếm tới 39,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Có 13 dự án có vốn đầu tư trên 100 triệu USD với tổng vốn đầu tư 3,27 tỷ USD (chiếm 2% tổng số dự án và 25,1% tổng vốn đầu tư). Dự án quy mô từ 50 đến dưới 100 triệu có 17 dự án với tổng vốn đầu tư 1,157 tỷ USD (chiếm 2,6% số dự án và 8,9% tổng vốn đầu tư). Từ 10 đến dưới 50 triệu USD có 116 dự án, vốn đầu tư 2,46 tỷ USD (chiếm 18% số dự án và 18,9% tổng vốn đầu tư). Phần lớn các dự án của Thái Lan tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Số lượng các dự án dưới 10 triệu USD với 498 dự án chiếm tới 77,2% tổng số dự án nhưng các dự án này chỉ chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư với số vốn là 967,56 triệu USD. Về lĩnh vực đầu tư: Các dự án đầu tư của Thái Lan tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 242 dự án và 9,78 tỷ USD tổng vốn đăng ký, chiếm 37,5% số dự án và 75,2% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam; đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất điện với 11 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 997,16 triệu USD, chiếm 7,7%  tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam; tiếp theo là lĩnh Kinh doanh bất động sản với 21 dự án  tổng số vốn là 751,6 triệu USD  chiếm 5,8 tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam.  Về địa bàn đầu tư: Thái Lan hiện đã có đầu tư tại 48/63 tỉnh thành phố của Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Bà Rịa - Vũng tàu chỉ có 9 dự án của nhà đầu tư Thái Lan nhưng dẫn đầu về tổng vốn đầu tư với 5,23 tỷ USD, chiếm 1,4% về số dự án nhưng chiếm 40,24% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam; đứng thứ hai là Đồng Nai với 37 dự án, tổng vốn đầu tư 1,02 tỷ USD, chiếm 7,9% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam. Đứng thứ ba là Bình Dương với 40 dự án, tổng vốn đầu tư 685,8 triệu USD, chiếm 5,27% tổng vốn đầu tư; đứng thứ tư là Kiên Giang với 4 dự án số vốn trên 679 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 5,21% vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều dự án đầu tư của Thái Lan nhất với 235 dự án chiếm 36,4 % số dự án, nhưng số vốn chỉ đạt 482 triệu USD chiếm 3,7% tổng vốn đầu tư, các dự án đầu tư vào TP Hồ Chí Minh chủ yếu là các dự án có quy mô nhỏ, dự án lớn nhất là dự án Công ty TNHH J.S.T Việt Nam với số vốn là 50 triệu USD đầu tư trong lĩnh vực Dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong các ngành công nghiệp dầu và khí đốt, hóa dầu và ngành điện.

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI KINH DOANH VỚI THỊ TRƯỜNG THÁI LAN

  1. Các quy định về xuất nhập khẩu
Một số quy định về xuất nhập khẩu, trong hồ sơ xin nhập khẩu hàng hóa vào Thái Lan bắt buộc phải có chứng từ nhập khẩu và phiếu đóng gói, cụ thể: Về chứng từ nhập khẩu, yêu cầu phải có tối thiểu 5 bộ hóa đơn thương mại (nước xuất xứ, nước nhập khẩu, ngày mua và bán hàng hóa, phương thức đóng gói, nhãn mác, tổng số gói hàng, thông tin mô tả hàng hóa, giá bán) và 02 vận đơn (người gửi hàng, người nhận hàng cuối cùng và đại lý trung gian, nhãn mác và số của những gói hàng, những chi tiết khác về nhà nhập khẩu). Về phiếu đóng gói, gồm có giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận đặc biệt, giấy phép nhập khẩu, giấy phép xuất khẩu. Đặc biệt lưu ý một số mặt hàng bị Thái Lan cấm nhập khẩu như: thuốc lá, thạch tín/chất photpho sunfua, chất hóa học etylen diclorua, chất thải có chứa chất hóa học tali và phế liệu. Các mặt hàng hạn chế nhập khẩu: Bộ Thương mại Thái Lan chỉ rõ những loại hàng hoá thuộc diện chịu sự kiểm soát nhập khẩu  thường phải có giấy phép nhập khẩu. Mặc dù những hàng rào kiểm soát này đang dần được bãi bỏ nhưng vẫn  còn  khá nhiều loại hàng được yêu cầu phải có giấy phép. Người cung cấp sẽ phải nộp giấy phép tới Bộ Thương mại và đi kèm với giấy yêu cầu, giấy xác nhận, hóa đơn và những giấy tờ thích hợp khác. Xuất khẩu hàng hóa vào Thái Lan không phải chịu sự kiểm tra trước. Để biết thêm thông tin về những hạn chế và những quy định kiểm soát đặc biệt đối với hàng nhập khẩu vào Thái Lan, có thể truy cập trang web: http://www.moc.go.th/ Những Cơ quan chính phủ đảm  trách việc kiểm  soát nhập khẩu, tiếp  thị, phân phối và buôn  bán  hàng  hoá  bao gồm Cơ quan quản lý về thực phẩm và dược phẩm, Cục Hải quan, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công nghiệp.
  1. Chính sách thuế, thuế suất và phí:
Về chính sách thuế và thuế suất: Tại Thái Lan, thông thường, nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất sẽ là người lập hóa đơn khai báo về giá trị và số lượng của hàng hóa để tính thuế. Tuy nhiên, cơ quan hải quan có quyền định giá lại giá trị của hàng hóa đó để đánh thuế, nếu trong trường hợp họ nghi ngờ người khai đã khai thấp hơn mức giá trị thực tế trên thị trường. Các mức thuế đang được Thái Lan áp dụng như sau: thiết bị y tế và phân bón (0%), nguyên vật liệu thô và thiết bị điện (1%), tư liệu sản xuất và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (5%), bán thành phẩm, hàng hóa trung gian (10%), sản phẩm hoàn chỉnh (20%), những mặt hàng "cần được bảo vệ đặc biệt" (30%). Bên cạnh đó, Thái Lan cũng dành những ưu tiên cho việc đầu tư thông qua miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu từ 50% - 100% đối với các loại máy móc thiết bị cho từng địa phương và từng dự án. Việc nhập khẩu những nguyên vật liệu thô hoặc vật liệu đặc biệt sử dụng cho mục đích xuất khẩu trong khoảng thời gian 5 năm được miễn thuế nhập khẩu, điều này phụ thuộc vào dự án đầu tư của từng địa phương. Thuế giá trị gia tăng (VAT) được áp dụng đối với mọi hàng hóa và dịch vụ trên mọi phạm vi hoạt động liên quan đến việc sản xuất hàng hóa; đối với hàng nhập khẩu có thể được hoàn thuế VAT. Hầu hết các dịch vụ đều phải chịu thuế VAT ngoại trừ một số dịch vụ như sản phẩm nông nghiệp. Sách và các loại báo chí được miễn thuế VAT. Mức thuế VAT của Thái Lan hiện là 7%.
  1. Một số lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thái Lan
Quy định về bao bì, nhãn mác: Về bao bì: nên được làm bằng chất liệu đảm bảo và có khả năng chịu nhiệt và chịu ẩm. Nhà xuất khẩu cũng nên chú ý đến khả năng hàng hóa sẽ để ở kho có không gian mở, vì vậy bao bì nên sử dụng chất liệu không thấm nước. Nên tránh sử dụng cỏ khô và rơm để làm bao bì. Về nhãn mác: Chính phủ Thái Lan có những quy định rất chặt chẽ về nhãn mác đối với các sản phẩm bơ sữa, đồ ăn trẻ em, đồ ăn đóng hộp, dấm, các loại nước giải khát, dầu ăn, thuốc súng. Nhãn mác của sản phẩm thực phẩm phải được cấp phép bởi Cơ quan quản lý về Thực phẩm và Dược phẩm. Khi tiến hành thủ tục xin giấy phép, đối với mỗi sản phẩm, nhà nhập khẩu phải nộp 2 mẫu của sản phẩm, chỉ rõ tỷ lệ phần trăm từng thành phần và hợp chất có trong sản phẩm đó, và nộp 06 nhãn mác sản phẩm. Thực phẩm nhập vào Thái Lan phải được dán nhãn mác với thông tin rõ ràng như: tên và nhãn hiệu; số giấy phép đăng ký; tên và địa chỉ sản xuất; tên và địa chỉ nhà nhập khẩu; ngày sản xuất và ngày hết hạn sử dụng; số lượng và trọng lượng tịnh; hướng dẫn sử dụng. Đối với đồ uống, trên nhãn mác phải ghi rõ tỷ lệ phần trăm của lượng cồn có trong sản phẩm đó, những cảnh báo về tác hại đến sức khỏe khi sử dụng sản phẩm (nếu có), và phải in bằng tiếng Thái. Đối với mỹ phẩm, nhãn mác phải bằng tiếng Thái và chỉ rõ những thông tin sau: tên của loại mỹ phẩm; tên và địa chỉ nhà sản xuất; hướng dẫn sử dụng; thành phần có trong sản phẩm; những phản ứng phụ khi sử dụng sản phẩm (nếu có). Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch của Thái Lan tương đối chặt chẽ. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan (Cục tiêu chuẩn thực phẩm và hàng nông sản - ACFS) chịu trách nhiệm quản lý chất lượng các mặt hàng nông sản, gia vị, thịt gia cầm... và han hành Bộ tiêu chuẩn nông nghiệp Thái Lan (Thai Agricultural Standard - TAS) gồm các tiêu chuẩn về an toàn và vệ sinh dịch tễ đối với sức khỏe của con người, động thực vật. Đối với các loại hạt thực vật và động vật cần phải có giấy chứng nhận kiểm dịch được cấp bởi cơ quan chức năng của nước xuất xứ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sản phẩm thịt cần phải có giấy chứng nhận an toàn thú y được ký bởi nhà chức trách địa phương tại nước xuất xứ. Nguyên liệu (động vật) phải được chứng nhận đáp ứng đủ những tiêu chuẩn kiểm dịch thú y. Sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và không chứa chất bảo quản, chất phụ gia hoặc dư lượng kháng sinh, chất bảo vệ thực vật, chất tăng trọng, tăng trưởng... vượt quá số lượng/mức độ cho phép gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Dược phẩm phải được Cấp giấy chứng nhận lưu thông tại nước xuất khẩu trước khi đưa sản phẩm vào Thái Lan và chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Một số loại quả như thanh long, nhãn, vải, xoài khi xuất khẩu vào Thái Lan cần phải có giấy chứng nhận về quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh (Pets Risk Analysis - PRA). Giấy chứng nhận này do Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan) cấp sau khi đã thực hiện việc đánh giá nguy cơ dịch hại theo một quy trình nghiêm ngặt với các tiêu chí về nơi sản xuất, chế biến, hóa chất sử dụng, quá trình xử lý dịch bệnh... Đối với mặt hàng thủy sản tươi sống nhập khẩu vào Thái Lan, doanh nghiệp nhập khẩu bắt buộc phải đăng ký nhập khẩu và thông tin vận chuyển hàng hóa với cơ quan chức năng tại cổng thông tin Fishery Single Window System (FSWS). Một số loại tôm và các sản phẩm thuộc danh mục hàng quý hiếm nằm trong diện mặt hàng cần kiểm tra đặc biệt. Doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng tôm thẻ chân trắng, tôm sú và tôm càng xanh cần đăng ký với cơ quan chức năng thông tin về địa điểm bảo quản hàng, giấy tờ chứng nhận sức khỏe (đối với hàng tươi sống) và mẫu sản phẩm để tiến hành xét nghiệm. Quy trình kiểm tra hàng mẫu diễn ra trung bình khoảng 30 ngày. Về quyền sở hữu trí tuệ, Luật sở hữu trí tuệ của Thái Lan tương đối rõ ràng. Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Thương mại Thái Lan và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đã ký kết Bản ghi nhớ chung về hợp tác thúc đẩy và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gồm các nội dung: sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả và quyền liên quan và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Thái Lan được tiến hành thông qua Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Thương mại Thái Lan.
  1. Những điều cần lưu ý khi đăng ký kinh doanh tại Thái Lan
Về tập quán kinh doanh, Thái Lan là một trong những nước phát triển nhanh hơn so với mặt bằng chung ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tác phong của người dân Thái Lan nói chung và doanh nghiệp nói riêng khá "đủng đỉnh". Giờ làm việc thường từ 8h-17h hoặc 9h-18h, trong đó thời gian ăn trưa từ 12h-13h. Người Thái Lan không quá nặng nề việc bạn trễ hẹn hay đến dự các cuộc họp trễ, chỉ cần bạn điện thông báo về việc đến trễ của mình. Tháng 4 và tháng 5 là thời gian nghỉ chính ở Thái Lan, do đó doanh nghiệp nên tránh các cuộc hẹn làm việc với đối tác vào thời gian này. Đối với lần hẹn đầu tiên với phía đối tác Thái Lan, nên đặt lịch hẹn trước khoảng 1 tháng và thông báo cho phía đối tác về thành phần sẽ tham dự cuộc gặp (tên, chức danh theo thứ tự từ cao xuống thấp) và nội dung cuộc gặp (các tài liệu kèm theo nếu cần thiết). Khi vào phòng họp, chỉ tiến đến vị trí ngồi khi đã được phía đối tác hướng dẫn. Doanh nghiệp Thái Lan rất tôn trọng các nhân vật cấp cao trong tổ chức. Vì vậy, khi tiếp xúc, cần nắm chắc vị thế của đối tác để đảm bảo thể hiện sự tôn trọng phù hợp, đặc biệt là tránh giao tiếp nhầm trong lần đầu gặp mặt. Người Thái thích làm ăn với người mà họ tôn trọng. Mối quan hệ tiến triển từng bước trên cơ sở nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ để tạo dựng và củng cố niềm tin, tình cảm. Tiếng Anh được sử dụng tương đối phổ biến trong các doanh nghiệp Thái Lan, đặc biệt là các công ty lớn ở Bangkok. Tuy nhiên, khi giao tiếp tiếng Anh nên nói đơn giản, tránh sử dụng thành ngữ hoặc các cách nói mang tính hình tượng./.  
Ý kiến

TIN TỨC - SỰ KIỆN

cong-thuong.png

cong-ttdt.png

© Copyright 2024 - Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thành phố Hải Phòng
An error has occurred. This application may no longer respond until reloaded. Reload 🗙