NHỮNG THÔNG TIN SƠ LƯỢC VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC QUỐC GIA PHẦN 5 – QUỐC GIA ẤN ĐỘ

                                   

Nền kinh tế Ấn Độ đa dạng và bao gồm các ngành và lĩnh vực: nông nghiệp, thủ công nghiệp, dệt, chế tạo và nhiều ngành dịch vụ. Dù 2/3 lực lượng lao động Ấn Độ vẫn trực tiếp hay gián tiếp sống bằng nghề nông nhưng dịch vụ là một lĩnh vực đang tăng trưởng và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Ấn Độ. Sự tiến tới một thời đại kỹ thuật số và một số lượng lớn dân số trẻ và có học, thông thạo tiếng Anh đang dần chuyển Ấn Độ thành một điểm đến quan trọng của các dịch vụ điều hành kinh doanh (back office) của các công ty toàn cầu khi họ tiến hành outsourcing (đưa một phần hoặc toàn bộ công việc sang cho các nước khác thực hiện) các dịch vụ khách hàng và hỗ trợ kỹ thuật của họ. Ấn Độ là một nước xuất khẩu chính nhân công tay nghề cao trong lĩnh vực phần mềm và các dịch vụ tài chính và công nghệ phần mềm. Các lĩnh vực khác như chế tạo, dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ nano, viễn thông, đóng tàu hàng không đang thể hiện tiềm năng mạnh và đang đạt mức tăng trưởng ngày càng cao hơn.

Hiện tại, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Vương quốc Anh. GDP danh nghĩa của Ấn Độ được đo bằng USD được dự báo sẽ tăng lên 8,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

   Các ngành  kinh tế trọng điểm

Nông nghiệp:  Nông nghiệp chiếm xấp xỉ 17,1% GDP của Ấn Độ và tạo công ăn việc làm cho khoảng 52% dân số trong độ tuổi lao động. Ấn Độ là một trong những nước chăn nuôi lớn nhất thế giới và cũng là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về mía đường, chè và đậu. Ấn Độ cũng là một trong những nhà sản xuất rau quả, lúa mì, gạo, sữa và gia vị lớn nhất thế giới. Công nghiệp thực phẩm Ấn Độ đã thu được lợi nhuận gia tăng một phần từ các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tuy nhiên nhu cầu thức ăn nhanh, sôcôla, đồ uống, sản phẩm từ sữa và các sản phẩm chế biến khác ngày một gia tăng theo mức thu nhập, do đó làm thay đổi thị hiếu và sở thích của người tiêu dùng.

Ngành công nghiệp dệt may: Ngành công nghiệp dệt may có vai trò sống còn trong nền kinh tế Ấn Độ. Sản xuất của ngành công nghiệp này chiếm 4% GDP và 20% đầu ra của nền công nghiệp, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu. Là ngành đứng thứ hai chỉ sau nông nghiệp, công nghiệp dệt may có số lượng lao động gần 38 triệu người. Hiện sợi bông vẫn là chất liệu chiếm ưu thế, song Ấn Độ đang trở thành nhà sản xuất đứng thứ 2 trên thế giới về mặt hàng lụa và đứng trong danh sách 5 nước sản xuất vải sợi hàng đầu thế giới.

Ngành công nghệ thông tin:

Ngành công nghiệp phần mềm: Ngành dịch vụ và phần mềm ở Ấn Độ được cả thế giới biết đến nhờ những giải pháp phần mềm chất lượng cao và giá rẻ. Do nhu cầu từ bên ngoài tăng cao, yêu cầu vốn đầu tư thấp, tỷ lệ lợi nhuận cao nên xuất khẩu phần mềm đã trở thành ngành công nghiệp đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng chung của công nghệ thông tin tại Ấn Độ.

Ngành công nghiệp phần cứng và dịch vụ Internet: Nền kinh tế đang bùng nổ của Ấn Độ, tăng trưởng bình quân 9%, sẽ thúc đẩy chi tiêu cho công nghệ thông tin (IT) khi các công ty nâng cấp hệ thống máy tính để cạnh tranh và người tiêu dùng truy cập Internet.

Công nghiệp giải trí: Hiện nay Ấn Độ là một trong những nước có ngành công nghiệp phim ảnh hàng đầu thế giới. Các thông tin sau cho thấy mức độ và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp này: Ấn Độ sản xuất hơn 70.000 phim truyện và hàng ngàn phim tài liệu ngắn bằng 52 thứ tiếng (bao gồm cả thổ ngữ). Ấn Độ chú trọng vào công nghệ sản xuất phim, thiết bị quay phim, sản xuất hậu kỳ và triển lãm sản phẩm. Gần 1.000 phim được sản xuất hằng năm với kinh phí trung bình 2,36 triệu USD cho mỗi phim với doanh thu tổng cộng 1,9 tỷ USD mỗi năm. Trên cả nước có hơn 20 triệu người xem phim hằng ngày tại 13.000 rạp. Với việc đầu tư vào hơn 78 khu giải trí mới (khu giải trí, nhà hát, công viên nước) và 400 trung tâm giải trí gia đình, nền công nghiệp giải trí Ấn Độ rất có thể sẽ trở thành ngành công nghiệp tỷ đô trong thế kỷ 21.

 

Nền kinh tế Ấn Độ có độ mở chưa cao khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Ấn Độ mới chiếm 36% GDP và còn nhiều dư địa để mở rộng. Do đó nền kinh tế Ấn Độ ổn định, không bị tác động quá lớn vào thương mại quốc tế, đồng Rupee của Ấn Độ có tỷ giá ổn định. Trung Quốc và Mỹ là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc là chủ yếu, trong khi xuất khẩu sang Mỹ là chủ yếu. Ấn Độ xuất khẩu đứng thứ 8 thế giới và nhập khẩu đứng thứ 10 thế giới. Ấn Độ có kế hoạch nâng tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP lên 60% và đang nỗ lực mở cửa thị trường.

QUAN HỆ HỢP TÁC VỚI VIỆT NAM

            1. Quan hệ ngoại giao

Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được thiết lập từ ngày 07/01/ 1972. Từ năm 2007, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đến năm 2016, quan hệ hai nước đã nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này.

 

Hai nước ký Hiệp định Thương mại và Hợp tác kinh tế (ký năm 1978 và ký lại vào tháng 3/1997) và Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (ký tháng 9/2004). Cho đến nay, hai nước đã ký các Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ Đầu tư, Lãnh sự, Hợp tác Văn hóa, Hàng không, Du lịch, Tương trợ tư pháp về hình sự…; đã ký các Thỏa thuận về Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, Hợp tác về Mỏ và Địa chất, Môi trường, Y học dân tộc và Nghị định thư về hợp tác quốc phòng. Tại Cấp cao ASEAN 15 tháng 10/2009 tại Hủa Hỉn, Thái Lan, hai nước ký Bản nghi nhớ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ (MES); Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Ấn Độ có hiệu lực từ 1/1/2010, với Việt Nam là 1/6/2010; Tháng 9 năm 2016 thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ.

  1. Quan hệ hợp tác Thương mại

Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Dân số Ấn Độ là khoảng 1,4 tỷ người với dung lượng thị trường lớn, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam. Giống như các nước khác, kinh tế Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nặng bởi Covid 19 nhưng kinh tế đã dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng trong  năm 2021-2022.

Hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam – Ấn Độ tăng nhanh từ mức 200 triệu USD (năm 2000) lên hơn 13 tỷ USD (năm 2021). Đặc biệt, chỉ trong 5 năm sau khi trở thành đối tác toàn chiến lược toàn diện vào năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp đôi.

Trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2017-2018 đến năm 2020 – 2021, Việt Nam luôn đạt thặng dư trong thương mại đối với Ấn Độ. Tính trong khoảng thời gian 10 tháng từ tháng 04/2021-01/2022 Việt Nam đang đứng thứ 23 trong danh sách các thị trường đối tác của Ấn Độ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 11,3 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Ấn Độ là sắt thép; bông; ngũ cốc; thịt; hải sản; nhôm; các sản phẩm điện tử. Trong khi các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Ấn Độ bao gồm điện tử; hóa chất vô cơ; nhựa; đồng.

Việt Nam cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả thanh long và nông sản nói chung tới khu vực phía nam Ấn Độ. Ngoài các mặt hàng hoa quả tươi, Việt Nam và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng kinh doanh với mặt hàng gia vị như quế, hồi, tiêu, thảo quả,… khi các doanh nghiệp Ấn Độ đang muốn tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam để sản xuất các mặt hàng này. Doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu trở lại thị trường Ấn Độ.

Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dược phẩm, dệt may, thực phẩm chế biến,… Trong lĩnh vực dược phẩm, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp Ấn Độ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên chưa có hợp tác liên doanh nào giữa doanh nghiệp hai nước. Nếu có thể phát triển hợp tác liên doanh sẽ giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dược phẩm sang các quốc gia trong khu vực. Đối với các sản phẩm dệt may, may mặc, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực xơ, sợi nhân tạo tại Việt Nam. Thực phẩm chế biến, nhu cầu tiêu dùng của Ấn Độ rất cao.

 

3. Hợp tác đầu tư và hợp tác phát triển

Ấn Độ đứng thứ 25/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 315 dự án còn hiệu lực, tổng vốn hơn 918 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện và khai khoáng. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn hơn 6 triệu USD, chủ yếu là bán buôn bán lẻ, đứng thứ 42/78 quốc gia mà Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài.

Về cơ cấu ngành: các dự án của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 60 dự án, tổng vốn đầu tư 459,6 triệu USD, chiếm 50,5% về vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực Sản xuất, phân phối điện với 6 dự án, tổng vốn đầu tư 236,3 triệu USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với 5 dự án, tổng vốn đầu tư là 96,5 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Về địa bàn đầu tư: không tính 3 dự án thăm dò, khai thác dầu khí, Ấn Độ đầu tư tại 28 địa phương. Ninh Thuận dẫn đầu với 4 dự án, tổng vốn đầu tư 195,1 triệu USD. Tiếp theo là Phú Yên với 8 dự án, tổng vốn đầu tư 189,64 triệu USD. Bình Dương đứng thứ ba với 10 dự án, tổng vốn đầu tư là 116,26 triệu USD. Còn lại là các dự án tại TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Long An…

 

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI KINH DOANH VỚI ẤN ĐỘ

  1. Các quy định về xuất nhập khẩu

Hiện tại, Chính phủ Ấn Độ áp dụng chính sách mở rộng tự do cho xuất nhập khẩu, vì vậy trong vòng 5 năm trở lại đây, những hạn chế về mặt định lượng, cơ chế giấy phép và kiểm soát đối với hàng xuất nhập khẩu đã được thay thế bằng các quy định, thủ tục đơn giản hơn, tăng cường bảo hộ bằng thuế xuất nhập khẩu và tỷ giá hối đoái.

Để kiểm soát chất lượng hàng hóa và đảm bảo sự công bằng trên thị trường, chính phủ Ấn Độ đã ban hành Quy tắc Hải quan (Quản lý Quy tắc Xuất xứ theo Hiệp định Thương mại – CAROTAR năm 2020). CAROTAR được ban hành bởi Ban Thuế Trung ương và Hải quan ngày 21/8/2020, có hiệu lực từ ngày 21/9/2020. CAROTAR 2020 nhằm bổ sung các thủ tục chứng nhận xuất xứ hiện có được quy định trong các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Hiệp định Thương mại Ưu đãi, Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện. những quy định, điều khoản chính của CAROTAR 2020. Để nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Ấn Độ, các công ty nhập khẩu ở Ấn Độ phải cung cấp thông tin chi tiết về quốc gia xuất xứ (COO) cho các cơ quan chức năng của Ấn Độ để tiến hành thủ tục xác minh khi cần thiết. CAROTAR cũng yêu cầu nhà xuất khẩu đảm bảo đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo quy định như yêu cầu về tỷ lệ gia công, nội địa hóa sản phẩm tại nước xuất khẩu phải đáp ứng được yêu cầu từ 35% trở lên, doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải thực hiện thẩm định cơ bản trước khi nhập khẩu hàng hóa đó. Trường hợp chưa hoàn thành thủ tục xác minh, doanh nghiệp nhập khẩu muốn thông qua lô hàng thì sẽ phải đặt một khoản tiền bảo lãnh bằng chênh lệch giữa thuế thông thường và thuế ưu đãi.

Thủ tục nhập khẩu hàng hóa: Khi tàu trở hàng đến cảng, trong vòng 24 giờ đối với hàng hóa nhập qua đường biển và 12 giờ đối với hàng hóa nhập qua đường hàng không sau khi tàu cập bến, nhà nhập khẩu hoặc chủ tàu phải điền vào Tờ khai hàng hóa (Manifiest) và nộp cho Hải quan để làm các thủ tục thông quan tiếp theo.

Các chứng từ nhập khẩu sẽ gồm có các loại sau đây:

Hóa đơn thương mại: Hóa đơn cần có tối thiểu 4 bản có chữ ký của nhà cung cấp tại quốc gia xuất khẩu

Vận đơn:  Cần tối thiểu 2 bản. Vận đơn theo lệnh “To order bills” cũng có thể cũng được chấp nhận.

Phiếu đóng gói: Không bắt buộc nhưng có thể làm quá trình thông quan hàng hóa thuận tiện hơn.

Giấy chứng nhận xuất xứ: Do Phòng Thương mại địa phương ban hành (thường yêu cầu phải có 3 bản).

Các giấy chứng nhận đặc biệt: Tờ khai nhập khẩu; Giấy phép nhập khẩu (nếu cần); Giấy phép miễn thuế; Thư tín dụng.

Các mặt hàng hạn chế nhập khẩu: Động vật sống; Một số loại phân hoá học; Da thú; Quặng khoáng và sản phẩm quặng; Sữa bột trẻ em; Một số kim loại và hợp kim.

Kiểm soát nhập khẩu: Các mặt hàng nông sản nhập khẩu như lúa mì, gạo, ngô, các loại ngũ cốc thô, dầu dừa và cùi dừa thuộc danh mục các mặt hàng chịu sự kiểm soát nhập khẩu. Một doanh nghiệp Thương mại của nhà nước được chỉ định thực hiện nhập khẩu độc quyền các mặt hàng này trên cơ sở đánh giá khả năng kinh doanh thực tế. Nói một cách đơn giản, nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ bao gồm xăng, dầu diesel và ATF được xếp vào hạng mục kinh doanh của nhà nước. Sản phẩm urê nhập khẩu cũng được xử lý qua cơ chế kinh doanh của nhà nước.

Các mặt hàng cấm nhập khẩu: Những mặt hàng bị cấm nhập vào Ấn Độ bao gồm những loại có thể gây tổn hại đến môi trường hoặc đời sống hoang dã và một số mặt hàng quân sự nhất định. Một số mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh nội địa, trật tự xã hội và nhiều tiêu chuẩn về giá trị đạo đức cũng bị cấm. Việc cấm nhập khẩu những mặt hàng này được áp dụng nhằm ngăn chặn sự thiếu hụt hàng hóa trên thị trường nội địa. Bảo toàn ngoại hối nhằm duy trì cán cân thanh toán của nước này đồng thời kiểm soát việc buôn bán vàng và bạc.

  1. Chính sách thuế, thuế suất và phí:

Thuế hải quan và phân loại thuế suất:

Luật thuế hải quan quy định rõ mức thuế, thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng. Biểu thuế, thuế hàng hóa, thuế chống bảo hộ và thuế đối kháng đều được xem xét lại trong dự thảo ngân sách hàng năm.

Các mức thuế suất của Ấn Độ được giảm liên tục từ đầu những năm 1990 và mức thuế cao nhất được công bố trong ngân sách 2003 – 2004 đã được giảm xuống mức trần (trừ một vài trường hợp) xuống còn 25% trong năm tài khóa trước đó. Thuế bổ sung đặc biệt sẽ tiếp tục được áp dụng ở mức 4% đối với mọi sản phẩm, trừ các loại hàng được nhập khẩu miễn thuế. Thuế nhập khẩu được áp dụng đối với từng mặt hàng cụ thể và có thể được thông báo thay đổi. Các doanh nghiệp xuất khẩu nên tham khảo mức thuế nhập khẩu tương ứng đối với các sản phẩm xuất khẩu sang Ấn Độ của mình.

Biểu danh mục thuế của Ấn Độ gồm nhiều loại miễn, giảm và hoàn thuế và được áp dụng dựa trên cơ sở từng mặt hàng cụ thể, phụ thuộc vào mục đích sử dụng cũng như vị thế của nhà nhập khẩu. Các mức thuế suất cơ bản là 5%, 15%, 25% và 30%.

Chính sách miễn thuế nhập khẩu

Chính sách miễn thuế: cho phép việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu mà không phải nộp thuế. Giấy phép miễn thuế có thể được cấp theo khuôn khổ chương trình miễn thuế. Chương trình sẽ cho phép bổ sung/ miễn thuế sau xuất khẩu đối với nguyên liệu đầu vào dùng trong hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Chương trình miễn thuế gồm DFRC và DEPB. DFRC cho phép tiếp tục miễn thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu. Chương trình DEPB cho phép hoàn phí nhập khẩu đối với các nguyên liệu đầu vào dùng cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.

Chính phủ có quyền công bố miễn thuế hoàn toàn hay một phần “vì lợi ích công cộng” và chỉ rõ các điều kiện (ví dụ điều khoản ngừng áp dụng). Khoảng 1/2 tổng số nguyên liệu đầu vào của Ấn Độ được giảm thuế nhập khẩu, mặc dù việc áp dụng chế độ miễn thuế được đặt song song với quá trình cắt giảm thuế quan.

Việc giảm thuế đã hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu của nhiều nước xuất khẩu vào Ấn Độ. Những ngành công nghiệp nước ngoài được hưởng lợi từ việc Ấn Độ xóa bỏ cơ chế hạn ngạch (QR) và giảm thuế suất là: hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, giày dép, đồ chơi, sản phẩm viễn thông, phân bón, thiết bị khai thác mỏ, sản phẩm gỗ, đồ trang sức, linh kiện máy ảnh, giấy, bìa các tông, phế liệu kim loại, máy tính, máy văn phòng và linh kiện, máy dệt và linh kiện, thiết bị cầm tay, nước ngọt, nước hoa quả và đồ hộp.

Thuế nhập khẩu hàng mẫu thương mại:

Các mẫu hàng thương mại không bị đánh thuế hải quan thông thường nếu đáp ứng các điều kiện sau: Hàng mẫu đó được nhập khẩu theo diện hành lý xách tay của khách du lịch hoặc doanh nhân hay được nhập khẩu qua đường bưu điện hoặc hàng không; Hàng mẫu đó được đánh dấu rõ ràng là “hàng mẫu” và giá trị của số hàng mẫu nhập khẩu không được quá 1000 USD hoặc 15 đơn vị hàng mẫu trong vòng 12 tháng; Hàng mẫu đó đã được nhập khẩu vào Ấn Độ chỉ vì mục đích trưng bày theo hướng dẫn hoặc yêu cầu của nhà xuất khẩu hoặc để bảo đảm thực hiện một đơn hàng xuất khẩu; Hàng mẫu đó phải được đi kèm với đầy đủ các tài liệu hướng dẫn.

  1. Bao gói, ký mã hiệu và nhãn mác bao bì

Hàng hóa phải được đóng gói chắc chắn và có thể chịu được sức nóng và độ ẩm cao trong mùa hè, có thể được lưu giữ ngoài trời hoặc trong kho và buộc bằng dây thép. Thùng chứa bên ngoài của hàng hóa cần được ghi ký mã hiệu của người gửi, ký mã hiệu cảng gửi hàng và đánh số phù hợp với số ghi trong phiếu đóng gói trừ trường hợp hàng đã được xác định trước. Cần ghi rõ trọng lượng tổng của kiện hàng trên cả hai mặt của thùng chứa hàng.

Những mặt hàng được sản xuất tại hơn một nước cần được ghi rõ “sản xuất tại nước ngoài” (“Foreign Made”) hoặc những từ ngữ tương tự để chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Ấn Độ phải có ký mã hiệu về nguồn gốc xuất xứ. Hàng nhập khẩu có thể cần phải có ký mã hiệu và nhãn mác chi tiết. Nhà nhập khẩu Ấn Độ có thể hướng dẫn nhà xuất khẩu về các yêu cầu này.

Ghi nhãn hàng hóa

Nhãn mác hàng hóa xuất nhập khẩu vào Ấn Độ thường được ghi bằng tiếng Anh. Việc ghi nhãn mác hàng nhập khẩu thường được theo dõi rất chặt chẽ. Các hàng hóa nhập khẩu phải có những thông tin dưới đây trước khi được đưa ra thị trường bán lẻ hoặc tiêu thụ, bao gồm cả các sản phẩm trong danh mục EOU. Thông tin về sản phẩm được đưa trực tiếp ra thị trường bán lẻ cần phải có những chi tiết in trên bao bì như sau:

– Thông tin mô tả sản phẩm

– Thông tin đóng gói

– Trọng lượng tổng và trọng lượng tịnh

– Thời hạn lưu hàng trên giá (kệ) bày hàng

– Ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm hoặc được thời hạn sử dụng tốt nhất.

– Hướng dẫn bảo quản

– Thành phần nguyên liệu

– Mã vạch (nếu được áp dụng và do EAN và UPC tại New Delhi ban hành) Số hiệu hàng hóa do Cơ quan Sản phẩm Thực phẩm (Food Product Office FPO) đóng tại New Delhi và/ hoặc Mumbai cấp.

– Công thức sản xuất

– Địa chỉ của nhà sản xuất và nhà xuất khẩu hàng hóa vào Ấn Độ

– Giá bán lẻ trên thị trường, gồm cả thuế và phí vận chuyển

Nguyên liệu thô nhập khẩu vẫn cần gia công thêm trước khi được đưa ra thị trường thì không cần có những thông tin kể trên nhưng cần được nêu rõ trong vận đơn chuyên chở, trong đó có thể bao gồm cả giá bán lẻ trên thị trường (Market Retail Price – MRP).

  1. Văn hóa kinh doanh

Doanh nhân Ấn Độ thường được đào tạo một cách rất bài bản, các nguyên tắc giao tiếp và kinh doanh của Ấn Độ theo phương hướng của châu Âu, hầu hết họ đều có trình độ quản lý cao và sử dụng tiếng Anh thành thạo.

Nên chuẩn bị danh thiếp trước khi gặp đối tác người Ấn Độ. Ấn Độ thường có nhiều lễ hội vào đầu và cuối năm, thời gian tốt nhất để gặp gỡ đối tác là tháng 5 cho đến tháng 10, tốt nhất hãy tìm hiểu thông qua Đại sứ quán để tránh những dịp lễ lớn của Ấn Độ. Khi gặp đối tác nên tặng họ một món quà nhỏ như hoa, socola, nước hoa, những đồ điện nhỏ, đây là những món quà được người Ấn Độ ưa thích. Nên chú ý đến màu sắc giấy gói quà, màu đen và trắng là những màu không may mắn theo quan niệm của người Ấn.

Đường xá ở Ấn Độ tương đối đông đúc, đi lại khá khó khăn, người Ấn cũng không có thói quen đúng giờ. Nên khi hẹn gặp đối tác doanh nghiệp có thể linh động về thời gian, trước khi gặp nên liên lạc lại với đối tác để nhắc nhở địa điểm và thời gian.

Phong cách làm việc của các doanh nghiệp Ấn Độ thường khá từ tốn, chậm rãi. Nhiều khi thoả thuận được một hợp đồng với các doanh nghiệp Ấn Độ cần mất khá nhiều thời gian. Doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với đối tác Ấn Độ nên biết rõ điều này và nên kiên trì trong các kế hoạch hợp tác khi đã xác định được đối tác của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *