Không thiếu đơn hàng
Quý II/2021 với sự bùng phát của đợt dịch lần thứ 4 khiến sản xuất của các doanh nghiệp (DN) da giày trong nước gặp nhiều trở ngại, tuy nhiên đơn hàng xuất khẩu không thiếu đã gánh đỡ một phần khó khăn cho DN. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 6/2021, xuất khẩu mặt hàng giày, dép đã đạt 9,37 tỷ USD, tăng gần 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay: Các thị trường xuất khẩu truyền thống của da giày Việt Nam đã tiến hành tiêm vắc xin, bước đầu đạt miễn dịch cộng đồng, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu phục hồi khiến đơn hàng xuất khẩu khá khả quan. Tính đến hết quý II, đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành như Mỹ, EU… đã tăng khoảng 10%.
|
Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu da giày tăng trưởng trong khó khăn |
Hơn nữa, so với các ngành hàng khác, da giày có tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do khá cao, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tiêu chí xuất xứ 40% công đoạn được sản xuất trong nước đã không làm khó được DN. Sản phẩm giày dép xuất khẩu sang thị trường EU có tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi khá cao. Theo thống kê của Bộ Công Thương, con số này trong quý I là 1,17 tỷ USD, đạt 98,98% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland với quy tắc xuất xứ tương tự như EVFTA cũng giúp DN da giày trong nước duy trì được xuất khẩu sang thị trường Anh, kim ngạch bình quân khoảng 200-300 triệu USD/năm.
Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, xuất khẩu sản phẩm da giày nửa đầu năm 2021 tăng trưởng được còn do da giày Việt Nam có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh. Cụ thể, giá nhân công của Trung Quốc tăng cao khiến khách hàng di chuyển một lượng đơn hàng tương đối sang Việt Nam. Với Myanmar, dù có giá nhân công cạnh tranh, có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tốt nhưng do bất ổn chính trị đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đơn hàng. Campuchia bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách cũng buộc nhà nhập khẩu phải chuyển đơn hàng. Trong khi đó, Việt Nam nổi tiếng là nhà sản xuất giày lớn thứ 2 thế giới, sản xuất cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng, môi trường chính trị ổn định. Đặc biệt, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh là điểm đến tin cậy của nhà nhập khẩu.
Hơn nữa, Việt Nam ký kết nhiều và sớm các hiệp định thương mại tự do, ưu thế về thuế là nhân tố thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất. Hiện khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm ưu thế trong xuất khẩu của ngành da giày với tỷ trọng 80%.
Khắc phục trở ngại, duy trì cạnh tranh
Tuy nhiên, các quốc gia cạnh tranh sẽ sớm khắc phục khó khăn, ổn định lại nền kinh tế. Do vậy, da giày Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để duy trì cạnh tranh, bao gồm cho cả hậu Covid-19. Theo đại diện Lefaso, cạnh tranh hiện tại chủ yếu là về mặt chi phí. Hơn nữa, nhìn vào bức tranh toàn cầu có thể thấy tốc độ luân chuyển hàng hoá rất nhanh, chuỗi giá trị rút gọn lại và linh hoạt hơn rất nhiều, sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng rất ngắn. Nếu không đáp ứng được sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Do vậy, DN cần có chiến lược dài hơi đầu tư vào công nghệ, áp dụng các mô hình quản lý mới để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng thời gian giao hàng.
Với những DN chưa tận dụng được các hiệp định thương mại tự do, nhất là DN nhỏ và vừa, cần đầu tư xứng đáng đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu về lao động, môi trường, an toàn sản phẩm... “Thị trường nhập khẩu luôn đặt ra các yêu cầu mới, thậm chí là cả bộ quy tắc. Đáp ứng các tiêu chuẩn trên là điều kiện bắt buộc để trở thành nhà cung cấp cho nhà nhập khẩu. DN vừa và nhỏ có thể cân nhắc để trở thành nhà cung ứng cho các DN lớn trước khi làm nhà cung ứng trực tiếp cho nhà nhập khẩu”, bà Phan Thị Thanh Xuân khuyến cáo.
Để trợ sức cho DN da giày trong nước duy trì được tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, đại diện Lefaso cũng cho rằng, thời điểm hiện tại, Chính phủ cần tránh ban hành những chính sách “khó”, tăng chi phí cho DN.
Đơn cử, mới đây nhiều hiệp hội ngành hàng trong đó có Lefaso đã kiến nghị lên Chính phủ về những bất cập trong thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Nghị định 18). Nếu như trước đây, nhập khẩu tại chỗ vẫn được miễn thuế thì theo Nghị định 18 hoạt động này phải nộp thuế và chỉ được hoàn thuế khi chứng minh hàng hoá đã xuất khẩu. Quy định này không khuyến khích sản xuất trong nước bởi nhập khẩu từ nước ngoài được miễn thuế ngay trong khi mua trong nước sản xuất cho xuất khẩu lại phải đóng thuế. Mặt khác, DN liên tục phải sản xuất, đồng nghĩa liên tục phải ứng vốn để đóng thuế, ảnh hưởng đến dòng tiền của DN. Theo tính toán, có những DN mỗi tuần phải ứng vài tỷ đồng, sau đó lại mất thời gian đi làm thủ tục hoàn thuế.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh đang dự kiến thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí hạ tầng cảng biển) cũng khiến DN phát sinh thêm chi phí. “Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay, mọi sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu đều rất cần thiết với DN”, đại diện Lefaso nói.