PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC LOGISTICS

Phát triển nguồn nhân lực là quá trình tạo ra sự biến đổi về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng chúng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, của vùng. Phát triển nguồn nhân lực chính là nâng cao vai trò của nguồn lực con người trong sự phát triển kinh tế- xã hội, qua đó làm gia tăng giá trị của con người.

Như vậy, mặc dù có sự diễn đạt khác nhau song có một điểm chung nhất là phát triển nguồn nhân lực là quá trình nâng cao năng lực của con người về mọi mặt để tham gia một cách hiệu quả vào quá trình phát triển quốc gia. Phát triển nguồn nhân lực, do vậy, luôn luôn là động lực thúc đẩy sự tiến bộ và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Kinh nghiệm của nhiều nước công nghiệp hóa trước đây cho thấy phần lớn thành quả phát triển không phải nhờ tăng vốn sản xuất mà là hoàn thiện trong năng lực con người, sự tinh thông, bí quyết nghề nghiệp và quản lý. Khác với đầu tư cho nguồn vốn phi con người, đầu tư cho phát triển con người là vấn đề liên ngành, đa lĩnh vực và tác động đến đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng của họ và đến toàn bộ xã hội nói chung.

Sự cần thiết của phát triển nguồn nhân lực ngành logistics:

Ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đòi hỏi phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cả về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh chuyên ngành. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng hơn nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics (không bao gồm các công ty vận tải thủy, bộ, biển, hàng không, chuyển phát nhanh, cảng thuần túy) và trung bình mỗi công ty có 20 nhân sự. Mức tăng trưởng nhân sự bình quân khoảng 7.5%/năm. Mức tăng trưởng nhân sự này được nhận định là thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của ngành dịch vụ logistics là 15 – 20%/ năm.

Tuy nhiên, lao động cho ngành dịch vụ logistics hiện nay mới chỉ đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu ở Việt Nam. Hầu hết các công ty dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện nay đều nằm trong tình trạng thiếu nhân lực có trình độ cao cả về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh chuyên ngành. Đa phần lao động của ngành này chưa được đào tạo bài bản. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành này đã phải tốn nhiều thời gian và chi phí để đào tạo lại đội ngũ nhân sự này, chưa kể đến tình trạng “chảy máu” nhân lực sang các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay nhân lực cho ngành dịch vụ logistics được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Đội ngũ quản lí thường là cán bộ chủ chốt được điều động đến các công ty logistics. Đội ngũ này thường được đào tạo và tái đào tạo để đáp ứng nhu cầu quản lí của các doanh nghiệp. Phần lớn trong số họ thiếu kiến thức và kinh nghiệm về kinh doanh, ít được cập nhật tri thức mới, phong cách lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Về đội ngũ nhân viên nghiệp vụ, phần lớn đội ngũ này tốt nghiệp đại học, nhưng từ những chuyên ngành ngoài logistics. Lực lượng lao động trực tiếp như: bốc vác, xếp dỡ, lái xe, kiểm đếm kho bãi, … đa số có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, 53% doanh nghiệp Việt Nam thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics:

Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics của địa phương chịu tác động của nhóm các yếu tố bên trong địa phương và các yếu tố bên ngoài. Các yếu tố này khá đa dạng và có những ảnh hưởng khác nhau.

Các yếu tố bên trong

Tiềm năng phát triển logistcis của địa phương: Với các lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực và nhu cầu về ngành logistics ở mỗi địa phương là khác nhau, dẫn đến tiềm năng phát triển của ngành dịch vụ logistics của mỗi địa phương cũng khác nhau. Điều này được thể hiện ở thị phần cũng như tốc độ tăng trưởng của ngành logistics ở mỗi địa phương là khác nhau. Tiềm năng phát triển tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ logistics tại địa phương và tác động tích cực đến sự phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics của địa phương.

Năng lực của các doanh nghiệp logistics địa phương: Năng lực của các doanh nghiệp logistics địa phương được xem là vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến mức độ phát triển của ngành logistics tại địa phương đó. Sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành logistics làm cho giá cả các yếu tố đầu ra và đầu vào biến động theo các xu hướng khác nhau. Tình hình đó đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động của mình nhằm giảm thách thức, tận dụng thời cơ để giành lợi thế trong cạnh tranh. Đó là động lực để mỗi doanh nghiệp nhanh chóng cải thiện hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành logistics. Đây cũng là động lực giúp phát triển nguồn nhân lực logistics của địa phương.

Chính sách phát triển logistics của địa phương: Các hoạt động kinh tế đều chịu sự chi phối và tác động của hệ thống chính sách của địa phương, hay nói cách khác là các khung thể chế logistics của địa phương là một hoạt động kinh tế nên tất yếu nó chịu tác động và chi phối từ hệ thống chính sách của địa phương. Sự tác động và chi phối này rõ rệt hơn, sâu rộng hơn khi các chính sách đó là các hệ thống chiến lược, cơ chế chính sách hướng tới phát triển ngành dịch vụ logistics. Do đó, chính sách phát triển ngành dịch vụ logistics của địa phương tác động đến sự phát triển logistics, trong đó chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành logistics ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nguồn nhân lực ngành dịch vụ logistics của địa phương.

Các yếu tố bên ngoài

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực logistics của địa phương, bởi nhân tố này đã tạo điều kiện cho các quốc gia, địa phương kết hợp tốt nhất sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, phát huy được nội lực và mọi tiềm năng sáng tạo; đồng thời, tranh thủ được tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển của. Xu thế hội nhập quốc tế có tác động nhiều mặt và đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển nguồn nhân lực, dẫn đến một cuộc cách mạng về đào tạo ngành nghề nói chung và ngành logistics nói riêng.

Do đó, các quốc gia, địa phương phải chuẩn bị cho mình những tiềm lực lao động đáp ứng yêu cầu của ngành logistics, phù hợp với xu thế thời đại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Các quốc gia còn phải hướng đến việc phát triển những con người thích ứng với thời đại cạnh tranh ồ ạt và khốc liệt để phát triển. Có thể nhận ra rằng, tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đối với việc điều chỉnh, lựa chọn chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistcis của các quốc gia, địa phương mà trong đó có cả phát triển nguồn nhân lực là rất mạnh mẽ và sâu sắc. Phát triển một thế hệ mới các doanh nhân, đội ngũ trí thức, những người lao động có trình độ chuyên môn cao, có tay nghề vững vàng, có năng lực quản lý, sản xuất, kinh doanh để có thể giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh trước bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Trong đó kinh tế tri thức hiện nay cũng được xem là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến phát triển nguồn nhân lực, bởi sức lan tỏa mạnh mẽ và được xem như là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Có thể thấy, trong nền kinh tế tri thức, tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là vốn quý nhất, là nguồn lực quan trọng hàng đầu, quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tiềm năng, ưu việt của kinh tế tri thức thể hiện ở xu hướng mới của phát triển khoa học có tính chất liên ngành, đặc biệt xu hướng thâm nhập vào nhau của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (về tri thức, phương pháp, cách sử dụng thành tựu khoa học) hướng vào hình thành mối quan hệ hài hòa giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên. Sự phát triển kinh tế tri thức đến trình độ nào đó sẽ làm thay đổi phương thức lao động và sản xuất, phương thức tiêu dùng và lối sống của xã hội trong nền văn minh mới. Phát triển nguồn nhân lực cần có những phương pháp tiếp cận hệ thống trong nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực, đặt phát triển nguồn nhân lực trong mối tương quan với các nhân tố tác động đến nó nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để phát triển nguồn nhân lực cho đất nước trong bối cảnh mới.

Sự phát triển kinh tế – xã hội: Hệ thống chính trị, pháp luật và các chính sách xã hội cũng là một trong những nhân tố liên quan đến nguồn nhân lực, đến thị trường sức lao động nói chung và nguồn nhân lực ngành logistics nói riêng. Hệ thống các chính sách xã hội nhằm vào mục tiêu vì con người, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, với phương hướng phát huy nhân tố con người trên cơ sở đảm bảo công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, giải quyết tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với việc chăm lo lợi ích lâu dài, giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường, mặc dù người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm theo khả năng của mình, song họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là thất nghiệp, bởi xét đến cùng sự ổn định về việc làm chỉ mang tính tương đối, do vậy, người lao động cần phải được đào tạo, tái đào tạo để có được trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề giỏi hơn, có sức khỏe và tác phong làm việc tốt hơn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, vì vậy, quy luật giá trị đặt ra yêu cầu tiên quyết là vấn đề chất lượng lao động. Còn đối với quy luật cạnh tranh, thì đó là động lực của mọi sự phát triển. Mục tiêu của cạnh tranh là giành lợi ích, lợi nhuận lớn nhất bảo đảm sự tồn tại và phát triển của chủ thể tham gia cạnh tranh. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh có vai trò to lớn, nó thúc đẩy người lao động phải thường xuyên trao dồi kiến thức để thích ứng với công nghệ mới, phương thức quản lý mới. Còn đối với quy luật cung-cầu, thì đó là mối quan hệ giữa người bán và người mua, là quan hệ không thể thiếu được trong nền kinh tế thị trường. Quan hệ cung-cầu trên thị trường sức lao động là một cân bằng động. Do vậy, khi nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực cần phải chú ý đến tính cân bằng giữa cung và cầu lao động, bởi đây là nhân tố rất quan trọng giúp cho việc hoạch định các chính sách trở nên thiết thực và có hiệu quả hơn.

Như vậy, mối quan hệ giữa phát triển nguồn nhân lực và kinh tế – xã hội là mối quan hệ nhân quả, quan hệ qua lại hai chiều. Kinh tế – xã hội càng phát triển thì khả năng đầu tư của nhà nước và xã hội cho phát triển nguồn nhân lực ngày càng tăng, tạo mọi cơ hội và môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực. Ngược lại, nguồn nhân lực của quốc gia, địa phương được phát triển tốt sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và trong vòng xoáy ốc thuận chiều này nhân tố nọ kích thích nhân tố kia phát triển.

Giáo dục và đào tạo: Giáo dục và đào tạo là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng sản xuất, quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội. Bởi tri thức và phẩm chất của người lao động là sản phẩm của quá trình giáo dục và đào tạo. Các quốc gia đều nhìn nhận rằng một nền giáo dục hoàn chỉnh, đồng bộ, toàn diện sẽ tạo ra những nhà khoa học, những người lao động có tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp, năng động và sáng tạo. Đối với mỗi người, giáo dục và đào tạo còn là quá trình hình thành, phát triển thế giới quan, tình cảm, đạo đức, hoàn thiện nhân cách. Còn đối với xã hội, giáo dục và đào tạo là quá trình tích tụ nguồn vốn con người để chuẩn bị, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Trong lĩnh vực logistics với những đặc điểm riêng của nó đòi hỏi nguồn nhân lực trong ngành cần có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp để vận hành hệ thống logistics, do đó, việc chú trọng vào hoạt động đào tạo nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển nguồn nhân lực logistics tại quốc gia, địa phương.

Khoa học và công nghệ: Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ ảnh hưởng lớn đến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics của quốc gia, địa phương. Sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng hiện nay thực chất là cuộc chạy đua về khoa học và công nghệ, chạy đua nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động trên cơ sở hiện đại hóa nguồn nhân lực. Những tiến bộ khoa học và công nghệ, làm thay đổi cơ cấu lao động của mỗi quốc gia, mỗi địa phương; làm thay đổi tính chất, nội dung lao động nghề nghiệp của người lao động, làm cho lao động trí óc tăng dần và lao động chân tay ngày càng có khuynh hướng giảm đi; tiến bộ khoa học và công nghệ từng bước được quốc tế hóa tạo nên sự cạnh tranh gay gắt về năng suất, chất lượng, giá thành. Nhiều công việc mới xuất hiện, nhiều công việc cũ mất đi, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động bị hao mòn nhanh chóng; tiến bộ của khoa học và công nghệ cũng đã làm thay đổi nội dung, phương pháp dạy học từ giáo dục phổ thông đến đại học. Do vậy, cần phải nghiên cứu cải tiến, mềm hóa chương trình, phương thức đào tạo để tạo điều kiện cho người lao động có thể cần gì học nấy, học tập suốt đời, không ngừng cập nhật, nâng cao trình độ trước những thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng, trình độ chuyên môn và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics ngày càng cần phải được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu của thời đại, đặc biệt là nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, marketing, đàm phán, triển khai, …

Để ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế, phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước thì nước ta cần những giải pháp phù hợp hơn nữa. Đào tạo nguồn nhân lực cho logistics không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập…

Trên thị trường Việt Nam, không chỉ riêng các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực logitics mà còn có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn logistics của nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt phải tự có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng hoạt động, đồng thời còn tạo sự liên kết, đồng nhất và hiệu quả giữa các đơn vị liên quan thì mới có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hội nhập hóa toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *