Phòng chống hàng giả, hàng nhái: Phải chặn từ nguồn cung

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Trung tâm ứng dụng công nghệ khai thác quyền sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Diễn đàn phòng, chống hàng giả, hàng nhái” với chủ đề “Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp”.

Diễn đàn được tổ chức nhân kỷ niệm 13 năm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam” (29/11/2007 – 29/11/2020); tiếp nối thành công của chương trình “Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019”; nhằm tuyên truyền để toàn thể xã hội đồng lòng cùng cơ quan chức năng đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường và tiếp tục an tâm sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã triển khai công tác đồng bộ, quyết liệt nên nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý, nhiều đường dây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị triệt phá. Cụ thể, trong quý III/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm (giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp nhà nước 4.386,9 tỷ đồng (giảm 30% so với cùng kỳ); đồng thời khởi tố 369 vụ (tăng 14% so với cùng kỳ), 454 đối tượng (tăng 25% so với cùng kỳ).

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mua sắm thông qua thương mại điện tử ngày càng được ưa chuộng. Tuy vậy, hàng giả, hàng nhái vẫn khó kiểm soát, ngăn chặn. Kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, việc ngăn chặn, xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái hiện nay còn nhiều vướng mắc bởi phương thức bán hàng ngày càng tinh vi, người bán thường hay phân nhỏ hàng hóa, chỉ có hàng online mà không có hàng vật lý… nên khó bị phát hiện.

“Một đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên môi trường mạng vẫn có những đồng hồ Rolex giả với giá vài triệu đồng, đó là ví dụ điển hình cho hàng giả trên môi trường thương mại điện tử”, bà Huyền nhấn mạnh.

Đáng chú ý, các đối tượng kinh doanh hàng giả còn có hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc đặt tên miền, giao diện webiste, đăng tải hình ảnh sản phẩm nhái các trang bán sản thật. “Website thương mại điện tử của sàn Lazada.vn cũng bị làm nhái, với tên gọi, màu sắc, giao diện khá giống trang Lazada.vn thật”- bà Minh Huyền cho hay.

Qua theo dõi, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thấy một số website trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ như: youtube.vn, bmw.com.vn, subway.com.vn… Một số tên miền tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ là: intelt.vn, kodark.com, panasonica.com… hay tên miền chứa đựng nhãn hiệu đã được bảo hộ và từ mô tả liên quan như: laptopdell.com, macsaigon.vn, daunhotshell.com.vn… Truy cập vào những trang này, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, trên môi trường thương mại điện tử còn xuất hiện hiện tượng giả mạo thông qua hình thức quảng cáo trực tuyến (các đối tượng lợi dụng hình ảnh của những KOL/người nổi tiếng để quảng cáo và bán hàng giả).

Ngoài ra, hàng giả liên quan đến vi phạm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả cũng khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng giày dép, thực phẩm chức năng, điện thoại thông minh…

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, Thương mại điện tử chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, để giải quyết triệt để vấn đề ,  cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu,  hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch… Khi hàng hóa đã được đưa ra thị trường thì các đối tượng có thể chọn bán qua nhiều kênh khác nhau như các chợ truyền thống, các mạng xã hội, các website miễn phí, các sàn thương mại điện tử… rất khó để kiểm soát.

“Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, không chỉ riêng Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Công An, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu” – Bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh.

Công tác đấu tranh chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử đã đạt được những kết quả tích cực thời gian qua thông qua việc triển khai Quyết định 3304 và Quyết định 2891 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Với sự phối hợp của Tổng Cục Quản lý thị trường và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông qua Tổ 368, nhiều tổng kho hàng lậu, hàng giả lớn đã được triệt phá. Đặc biệt, tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình đã ký ban hành Kế hoạch 399 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động tmđt với sự vào cuộc của nhiều cơ quan hữu quan. Với sự quyết tâm quyết liệt triển khai kế hoạch này, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trưởng Internet chắc chắn được đẩy lùi trong thời gian tới, góp phần phát triển tmđt bền vững.

Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã nhận được 176 khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ.

Các nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến hàng hóa không có nhãn phụ, không có thông tin về nhà sản xuất; hàng hóa kém chất lượng, khác so với quảng cáo; hàng hóa giả mạo thương hiệu, nguồn gốc và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong giao dịch thương mại điện tử…

Hàng giả, hàng nhái và dịch vụ kém chất lượng ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng, tạo ra các hệ lụy liên quan đến môi trường cạnh tranh, lòng tin của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Hiện vẫn còn nhiều vụ việc chưa xác định được các chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý, đặc biệt là trong một số giao dịch thương mại điện tử (giao dịch xuyên biên giới)

Ở góc độ là cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Hồ Tùng Bách, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, thời gian tới để hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý. Những vụ việc vi phạm cần được công bố rộng rãi để từ đó nâng cao trách nhiệm và có sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, hiệp hội cũng cần nâng cao nhận thức và tuyên truyền thực hiện nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc phát hiện, đấu tranh với hành vi sản xuất, kinh doanh và tàng trữ hàng giả, hàng nhái.

Thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường các biện pháp xử lý, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh- Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để làm tốt hơn nữa công tác chống hàng giả, hàng nhái, cần vai trò rất lớn của cộng đồng, bởi khi nào vẫn còn người tiêu dùng tiêu dùng hàng giả, hàng nhái thì loại hàng hóa này vẫn còn môi trường để tồn tại.

Cũng trong khuôn khổ chương trình “Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2020” đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm ảnh “Thành tựu và kết quả 13 năm triển khai chương trình phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2007 – 29/11/2020)”. Triển lãm được trưng bày tại địa chỉ 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *