Phòng vệ thương mại: Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”

Để phòng tránh thiệt hại từ những vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM), các doanh nghiệp (DN) cần bình tĩnh, chuẩn bị tâm thế, có chiến lược kinh doanh tính đến rủi ro… Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) – với phóng viên Báo Công Thương.

PVTM được coi là phần đi kèm không mong muốn của tự do hóa thương mại quốc tế, xin bà cho biết đánh giá về vấn đề này?

2624-ba-nguyen-thi-thu-trang

Công cụ PVTM là biện pháp rất hữu hiệu để các nước nhập khẩu (NK) có thể sử dụng, bảo vệ lợi ích hợp pháp trước hàng hóa NK cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt, khi các hàng rào về thuế quan, phi thuế quan càng giảm và xuống thấp, nguy cơ hàng hóa nước ngoài NK càng nhiều, càng có xu hướng sử dụng các công cụ PVTM để thay thế hàng rào phi thuế quan trước đây.

Theo các nghiên cứu và thống kê của nhiều giới, chưa có bằng chứng rõ ràng về việc càng ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), sẽ càng nhiều vụ kiện PVTM. Ngay như ở Việt Nam, đến nay, ngoại trừ Indonesia, Australia, các đối tác kiện về PVTM nhiều đối với hàng XK Việt Nam vào thời điểm kiện chưa phải là đối tác FTA của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt thị trường XK của Việt Nam, đang phải chịu áp lực rất lớn từ hệ quả của đại dịch Covid-19. Vì thế, ngành sản xuất phần lớn các nước trong nội địa đều đang khó khăn, xu hướng sử dụng công cụ PVTM được coi là một giải pháp chống lại hàng NK, để có nhiều cơ hội cạnh tranh.

Ngoài ra, xu hướng xuất hiện một vài năm nay, khi chưa có Covid-19, đó là PVTM ở nhiều điểm trên thế giới. Xu hướng này làm cho nguy cơ hàng XK của Việt Nam bị kiện PVTM càng cao. Hiện, Việt Nam với 13 FTA đã có hiệu lực, gần đây nhất là FTA Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA, giúp thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, cùng với đó, xuất hiện nguy cơ hàng hóa của Việt Nam bị hàng hóa nước khác giả danh để tận dụng ưu đãi thuế quan. Điều này có thể làm cho nguy cơ hàng của Việt Nam bị kiện ở các thị trường nhiều lên. Vì vậy, các DN phải chuẩn bị sẵn sàng trước nguy cơ bị kiện PVTM ở các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước có FTA với Việt Nam.

Vậy theo bà, với các FTA, nhất là với EVFTA chúng ta cần lưu ý vấn đề gì về PVTM?

Nếu như trước đây, PVTM mà WTO quy định chỉ có biện pháp tự vệ toàn cầu, tức là khi tiến hành biện pháp tự vệ là cho tất cả hàng hóa NK. Còn đối với các FTA mà Việt Nam đã ký, có thêm một công cụ đối với ngành sản xuất nội địa là bảo vệ hàng trong nước, còn hàng XK thì thêm hàng rào. Với FTA, cho phép tự vệ song phương, tức là chỉ áp dụng biện pháp tự vệ với hàng NK từ một nguồn là đối tác FTA.

Mặc dù vậy, vẫn có điểm thuận lợi là các FTA có cam kết liên quan đến PVTM phần lớn đều tăng cường minh bạch hóa để bảo vệ quyền của các bên trong quá trình tham gia điều tra kiện PVTM. Việt Nam có quyền được tự bảo vệ mình tốt hơn khi tham gia kháng kiện ở các đối tác.

Đối với EVFTA, có thêm cam kết là có thể đi kiện, áp dụng các biện pháp PVTM. Đơn cử, biện pháp thuế chống bán phá giá, thông thường áp dụng biện pháp thuế ở mức bằng biên độ phá giá mà điều tra xác định ra, nhưng trong EVFTA lại có cam kết áp dụng mức thuế thấp hơn. Nếu thiệt hại thấp hơn, mức thuế đánh vào không phải bằng với biên độ phá giá mà ở mức đủ để khắc phục thiệt hại. Ngoài ra, EVFTA có thêm điều khoản là có điều tra, phá giá, thiệt hại, vì vậy, việc áp thuế gây ra bất lợi cho lợi ích công cộng, những nhóm khác ở mức đủ lớn sẽ không áp thuế.

Vậy, loại “áo giáp” nào để DN Việt Nam tự bảo vệ khi bước vào thị trường lớn như EU, thưa bà?

Nguy cơ là rõ ràng, việc các DN XK của Việt Nam phải sẵn sàng cho nguy cơ này cũng là điều hiển nhiên. Bởi đây là “cuộc chiến” về mặt kỹ thuật, phải có bằng chứng kỹ thuật, số liệu để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Phạm vi hàng hóa Việt Nam bị kiện hiện nay đã mở rộng hơn trước rất nhiều, không chỉ dừng lại ở sản phẩm mũi nhọn hay có truyền thống XK nhiều mà ngay cả những mặt hàng có quy mô sản xuất nhỏ, không nổi trội…

Mặc dù, DN đã có ý thức hơn trong PVTM, tuy nhiên, không ít DN, hiệp hội vẫn chưa hiểu biết hết về chính sách, pháp luật PVTM hay có kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này. Ngoài ra, nguồn lực để theo đuổi các vụ kiện cũng rất hạn chế… Vì vậy, các DN cần bình tĩnh hơn, chuẩn bị tâm thế, có chiến lược kinh doanh tính đến rủi ro PVTM. Mặt khác, về mặt kỹ thuật, DN cũng cần có sự chuẩn bị nguồn lực, đừng “đợi lúc kiện rồi mới chạy”.

Xin cảm ơn bà!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *