Dự án đầu tiên của liên minh thúc đẩy sản vật địa phương, là Giỏ quà Tết của các nghệ nhân truyền thống Việt Nam mang tên “Đầu cơ nghiệp”. Dự án với thông điệp “Món ngon cũ, cách nhìn mới” mang đến những sản vật bản địa, sản phẩm đoạt giải của cuộc thi Sáng tạo Khởi nghiệp Nông nghiệp mà ban tổ chức đã tìm kiếm và khám phá trong suốt hành trình đồng hành cùng người nông dân Việt - nông sản Việt. Các nghệ sĩ và doanh nhân thế hệ 4.0 sẽ kể câu chuyện quà Tết rất mới với hai bộ sản phẩm nổi bật: Duyên lành và Thịnh vượng.
|
Khoác "áo mới" cho đặc sản vùng miền thông qua việc làm lại bao bì trong dịp Tết 2021 |
Tại lễ ra mắt, đại diện liên minh này cho biết, ý tưởng thúc đẩy các sản vật làng nghề, tài nguyên bản địa của Việt Nam và sản phẩm của các dự án khởi nghiệp nông nghiệp là mục tiêu chung của cả 3 tổ chức, đã được triển khai nhiều năm nay.
Theo đó, Phiên chợ Xanh Tử Tế thực hiện các phiên chợ mỗi tuần và chợ Tết cuối năm. Trà Quế triển khai “khoác áo mới cho đặc sản vùng miền” thông qua việc làm lại bao bì, câu chuyện và đẩy mạnh marketing. Trong khi đó, Foodmap.asia giới thiệu các sản phẩm ngon và lành trên toàn bộ kênh thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Như vậy, sự kết hợp của 3 đơn vị này chính là sự cộng hưởng của các nỗ lực phát triển cho đặc sản Việt lên một giai đoạn mới, hội nhập toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, sáng lập viên Trà Quế, thành viên Hiệp hội Nghệ nhân và Thủ công Hoa Kỳ - đại diện nhóm điều hành dự án Giỏ quà Tết Đầu Cơ Nghiệp cho biết, một trong những giá trị quan trọng nhất để 3 đơn vị cùng ngồi lại với nhau, là tìm kiếm sự phát triển bền vững.
|
Thúc đẩy nông sản địa phương Việt phát triển lên một giai đoạn mới là hội nhập toàn cầu |
Muốn bền vững, thì liên kết là yếu tố quan trọng, cùng đề cao tính bản địa, phát triển nền sản xuất địa phương để nâng cao chất lượng cuộc sống của nghệ nhân dân gian, sản phẩm tự nhiên là yếu tố tiếp theo. “Chúng tôi kỳ vọng liên minh sẽ không dừng lại ở 3 thành viên khởi xướng mà sẽ mở rộng thêm những đơn vị khác tham gia vào chuỗi giá trị này”- bà Xuân Yến mong muốn.
Là đơn vị tổ chức thực hiện chuỗi hành trình Khởi nghiệp Nông nghiệp phát triển bền vững trong suốt nhiều năm qua, bà Vũ Kim Anh - Chủ nhiệm Phiên chợ Xanh Tử Tế (BSA) - chia sẻ, các sản phẩm làng nghề, qua sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới của các thanh niên nông thôn đã tạo ra một thế hệ đặc sản mới của Việt Nam. Nhưng làm sao gia tăng hàm lượng mỹ thuật và tiêu chuẩn thế giới, cộng với kết hợp công nghệ bán hàng trực tuyến thì mới đưa các sản phẩm này đi xa hơn. Chúng tôi tự tin rằng, liên minh này sẽ tạo một đột phá mới cho công tác phát triển tài nguyên bản địa thời gian tới.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Anh Tùng - nhà sáng lập Foodmap.Asia, startup vừa giành giải quán quân nhiều cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài nước tin rằng, bài toán liên minh, liên kết, tạo ra sức mạnh chung chính là công thức để “ra thế giới” của nông sản Việt. Chúng tôi chọn tên DN khởi nghiệp của mình là Foodmap.Asia với một kỳ vọng toàn cầu.
Đáng chú ý, lễ ra mắt liên minh thúc đẩy sản vật địa phương thu hút sự quan tâm và có sự hiện diện của đại diện các đối tác thực thi bán hàng của Amazon (Mỹ), Alibaba (Trung Quốc), TradingFoe (Thuỵ Điển) và nhiều sàn thương mại điện tử trong nước cũng như tập hợp các Đại sứ Hàng Việt, doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và các nghệ nhân dân gian.