Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị xuất khẩu.
Bảo tồn và phát triển làng nghề
Theo Hiệp hội
Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước (với 1.350 làng nghề và làng có nghề). Đặc biệt, các làng nghề Hà Nội hội tụ tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Đã có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Mỗi làng nghề
Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người thợ thủ công mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Theo thống kê, tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Cùng với doanh thu lớn, sự phát triển của các làng nghề cũng giúp cải thiện thu nhập cho người lao động. Con số này hiện đạt bình quân 5 - 6 triệu đồng/người. Mức thu nhập này nhìn chung còn thấp và không đồng đều nhưng vẫn cao hơn so với lao động thuần nông. Cá biệt lao động làng nghề tại một số quận, huyện đạt từ 60 triệu đồng/người/năm như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất…
Thông tin tại Hội nghị “Hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc” vừa qua, ông Tôn Gia Hóa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, các làng nghề Hà Nội vẫn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ lạc hậu; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng trong lúc yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; Nhiều làng nghề còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Chia sẻ về những khó khăn, mong muốn khi phát triển sản xuất kinh doanh làng nghề, duy trì và bảo tồn nghề nghiệp truyền thống địa phương, ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, làng nghề Vạn Phúc vẫn gặp khó khi nhập các nguyên liệu tuy phần lớn các nguyên liệu được nhập tại Việt Nam nhưng giá thành lại của nước ngoài vì có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng nhập các nguyên liệu từ Việt Nam nên cơ sở sản xuất nguyên liệu cũng bán giá theo giá nước ngoài. “
Đây là một điều thiệt thòi với làng nghề do đó việc được xây dựng những vùng nguyên liệu bền vững cho các làng nghề là một việc hết sức quan trọng và rất cần thiết” - ông Phạm Khắc Hà đề nghị.
Hợp tác phát triển làng nghề
Ông Tôn Gia Hóa cho rằng, để sản phẩm làng nghề phát triển bền vững, cần tập trung giải quyết một số vấn đề căn bản, đơn cử như: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.
Bên cạnh đó, nếu có sự hợp tác (sự liên kết phát triển sản phẩm giữa các làng nghề vốn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ) thì hiệu quả sẽ cao hơn. Từ đó, vùng nguyên liệu tập trung (gỗ, tre, nứa, song mây, nguyên liệu gốm...) phải được xây dựng ở những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp. Chuỗi giá trị của các sản phẩm làng nghề cần được phân bổ đồng đều và công bằng giữa các làng nghề có điều kiện tự nhiên, dân số và kinh tế khác nhau. Hiệp hội làng nghề tại các địa phương là tổ chức có thể động viên, tập hợp hội viên thực hiện có hiệu quả quá trình hợp tác để có đóng góp tích cực trong chuỗi giá trị sản phẩm - ông Tôn Gia Hóa gợi ý.
Ông Nguyễn Hữu Thức - Tổng giám đốc Công ty CP gốm Chu Đậu đề xuất, để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cần tăng cường liên kết các tours du lịch với các làng nghề, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho du khách đến tham quan. Đồng thời, tích cực quảng bá hình ảnh, nét văn hóa của các làng nghề truyền thống đối với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Vi Khải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, hợp tác phát triển sản phẩm trong tiềm năng của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc không chỉ là giải pháp tình huống mà còn là chiến lược lâu dài. Do đó, không rập khuôn những kiến nghị đã nói nhiều về chính sách tạo vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo, chống ô nhiễm. Trên thực tế, đã có 8 dự án ưu tiên từ Chương trình “bảo tồn và phát triển làng nghề”. Vì thế, chỉ đề cập đến giải pháp tầm chiến lược theo tinh thần nội dung Quyết định 801NĐ/CP về phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các làng nghề về việc giữ nghề, nâng cao được giá trị làng nghề, về kĩ thuật và máy móc thiết bị. Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho các làng nghề tham gia chương trình tôn vinh Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước công nhận. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang ấp ủ một chương trình rất cao cấp đến với các Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú, qua đó hàng hóa không phải bán theo cách thông thường mà có thể theo công nghệ số như những bộ sưu tập nghệ thuật trên thế giới hiện nay.
Theo bà Nga, về thị trường, Bộ Công Thương chủ trì rất nhiều chương trình chuỗi cung cấp cung ứng hàng hóa và phân phối hàng hóa về sản phẩm làng nghề. Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị siêu thị lớn có những không gian rất rộng, vào mỗi dịp cuối tuần sẽ dành một khoảng không gian để trưng bày các sản phẩm của các làng nghề nhằm giúp sản phẩm của các làng nghề được tiếp cận với người tiêu dùng nhiều hơn nữa.