Thương mại truyền thống – cần một cú “lột xác” để tồn tại bền vững

Những năm gần đây, Hải Phòng nổi lên là một điểm sáng cả nước khi bứt phá ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại – dịch vụ. Tuy nhiên bên cạnh những mảng màu nổi bật, bức tranh toàn cảnh thương mại thành phố vẫn còn những vết loang không mấy đẹp, nhất là bất cập tồn tại ở khu vực chợ truyền thống.

Khoảng buồn từ quá khứ

Theo một số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có tổng số 154 chợ các loại, trong đó hạng một có 7 chợ, hạng hai có 16 chợ và hạng ba có 115 chợ, chưa kể các chợ tạm, chợ hoạt động tự phát khác.

Về bản chất, đây là hoạt động tất yếu theo nhu cầu trao đổi hàng hóa, tiêu dùng tồn tại và phát triển theo thời gian, mà trong một số văn bản hành chính cũng được gọi là thương mại truyền thống.

Hầu hết tham gia lĩnh vực thương mại này đều là kinh doanh nhỏ lẻ, mà theo số liệu thống kê hiện các chợ có khoảng hơn 12 nghìn hộ kinh doanh, dịch vụ, chiếm khoảng 40% tổng số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố.

Vấn nằm ở chỗ, trong bối cảnh Hải Phòng đang bứt phá mạnh mẽ theo hướng văn minh, hiện đại, thời gian qua trên địa bàn thành phố xuất hiện khá nhiều mô hình thương mại hiện đại, thì thương mại truyền thống vẫn là một nốt nhạc trầm chưa có dấu hiệu thăng hoa.

Mảng thương mại truyền thống hầu hết vẫn mang nặng tính tự phát, trong khi công tác điều hành quản lý của Nhà nước chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, đơn vị và địa phương. Các mô hình bán lẻ vẫn theo lối cũ, gắn với nền sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, hệ thống lưu thông từ nơi phát luồng đến nơi tiêu thụ bị cắt thành nhiều tầng nấc, bộc lộ nhiều bất cập.

Mặt khác, một trong những điểm yếu mà thương mại truyền thống mắc phải không thể không đề cập, đó là văn hóa kinh doanh. Đơn cử, về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, về niêm yết giá đã được pháp luật quy định mấy chục năm nay, nhưng ít được thực thi nghiêm túc ở chợ truyền thống.

Thực tế là các hộ kinh doanh hoặc không thực hiện, hoặc niêm yết một đằng bán một nẻo, mà vẫn chọn hướng “mặc cả” làm phương thức phổ biến. Ví dụ để mua được một mặt hàng bên ngoài, người sành sỏi cũng phải đi mất vài cửa hàng khảo giá mới mua được giá chuẩn, người không sành dễ bị giá cao, chưa kể không an tâm về nguồn gốc.

Trong khi đó, vấn đề gian lận tại khu vực thương mại truyền thống cũng đang còn nhiều điều đáng bàn, đơn cử như một số sản phẩm bị quá hạn sử dụng vẫn bày bán, rồi bán lẫn hàng giả, hàng nhái đánh lừa người tiêu dùng.

Những bất cập phát sinh từ thương mại truyền thống đã được nhắc đến từ lâu, thậm chí đã được chỉ rõ trong một văn bản đánh giá từ cách đây vài năm.

Cụ thể khu vực thương mại truyền thống có 3 hạn chế cần phải giải quyết, đó là: hoạt động kinh doanh còn yếu từ khâu tổ chức đến thiết lập mạng lưới bán hàng; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ mạng lưới tiêu thụ lạc hậu; nguồn nhân lực phục vụ thiếu kinh nghiệm trong điều kiện kinh tế thị trường.

Dù đã được chỉ rõ, nhưng trải qua thời gian những bất cập này vẫn tiếp tục hiển hiện, trở thành một nút nghẽn trong lộ trình phát triển tổng thể của thành phố.

Cạnh tranh là xu hướng tất yếu

Nhìn theo xu hướng hiện đại, cách đây hơn 20 năm, những siêu thị đầu tiên xuất hiện tại Hải Phòng thuộc về các nhà đầu tư nội địa, mà khởi đầu phải kể đến hệ thống mang tên Ánh Dương.

Tiếp theo đó, cũng theo sự vận động của thời gian, nhiều nhà đầu tư khác đến từ cả trong và ngoài nước đã đem đến Hải Phòng những mô hình kinh doanh rất mới, phân khúc trên cả hai lĩnh vực bách hóa và chuyên doanh.

Giờ đây về bách hóa, đang chiếm giữ vị thế quan trọng là các thương hiệu BigC, Co-opMart, MM Mega Market, VinMart… Còn về chuyên doanh chủ yếu trên mảng hàng hóa điện tử như Nguyễn Kim, MediaMart, Pico, Thegioididong, Điện máy xanh…

Đáng kể là sau hàng chục năm cạnh tranh đầy thách thức, khi mà các thương hiệu bách hóa tại Hải Phòng như Ánh Dương hay Intimex lần lượt bị khải tử, thì nhiều thương hiệu vẫn trụ vững.

Thống kê đến thời điểm này, thành phố có gần 30 hệ thống siêu thị, tính về lượng, có thể các hệ thống này chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của cả thành phố, nhưng nó đang hình thành một hướng đi mới, mà khu vực thương mại truyền thống nếu không thay đổi sẽ rất khó tồn tại.

Bởi mấy năm trước, khi các siêu thị chưa thực sự tiếp cận với đại chúng người tiêu dùng, chênh lệch giá giữa khu vực này và thị trường truyền thống còn khá lớn, việc mua sắm tại các siêu thị được coi là một chuyện xa xỉ. Thì nay, gió đã đổi chiều, với các mục tiêu cạnh tranh hướng tới số đông, siêu thị ngày càng bình dân, thị trường truyền thống càng bộc lộ sự tụt hậu.

Mặt khác, trong khi khu vực thương mại hiện đại được đầu tư lớn, áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến, điều chỉnh cung ứng linh hoạt, coi trọng văn hóa kinh doanh… thì thì thương mại truyền thống vẫn còn mang nặng tính ngẫu hứng, bảo thủ, chộp giật, gian lận công khai… và khó nhất là nguồn đầu tư bị xé nhỏ.

Thử nhìn vào hệ thống các chợ Sắt, Tam Bạc, An Dương… là những khu được đầu tư rất lớn, cơ sở hạ tầng không thể nói là thua kém so với các siêu thị. Nhưng việc quá tận thu mặt bằng, không gian, chi phí khác đã biến bộ mặt thương mại ở đây thành nhếch nhác, khó quản lý về hàng hóa cũng như lưu thông, khó đảm bảo các yêu cầu về môi trường và an toàn khác.

Như đã nói ở trên, trong một giai đoạn nhất định các siêu thị chưa tiếp cận được với đại chúng người tiêu dùng, phần lớn là do chênh lệch về giá. Thương mại truyền thống giữ được ưu thế là giá linh hoạt, thay đổi thường xuyên theo mức độ cung cầu, phục vụ cơ bản tâm lý người tiêu dùng. Mặt khác, hầu hết các mặt hàng nông sản thực phẩm khu vực này được khai thác đa nguồn, nên giá bán cũng rẻ hơn các khu vực tập trung.

Nhưng hiện điều này cũng đang dần được thay đổi, ví dụ một chiếc máy tính hoặc điện thoại, giá bán tại các trung tâm lớn hiện rẻ hơn các cửa hàng lẻ nhỏ, chế độ chăm sóc cũng tốt hơn mà người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc.

Hoặc vào siêu thị BigC, khách hàng có thể lựa chọn mọi thứ, kể cả suất ăn sáng và cợp hộp bữa chính tùy ý thích… nên hệ thống này thu hút được cả những người dân ngoại thành vào mua sắm.

Sự cạnh tranh đã rõ, điều khiến cho thương mại truyền thống tồn tại được hiện nay, có lẽ là do thương mại hiện đại chưa đáp ứng được yêu cầu về lượng. Nhưng rồi đây nếu các mô hình hiện đại mở rộng hơn, tương lai gần sẽ là một thiên đường mua sắm mới đến từ Nhật Bản mang tên Aeon Mall đi vào hoạt động, rất có thể sẽ đẩy thương mại truyền thống vào thế triệt thoái.

Việc kết cấu lại thị trường là khó tránh khỏi, vì nó là xu hướng phát triển tất yếu, cũng đồng nghĩa với việc hàng vạn hộ kinh doanh sẽ hướng tới… thất nghiệp. Đây chính là điều mà thương mại truyền thống cần một cú “lột xác” để tồn tại bền vững.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *