Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài: Cầu nối cho doanh nghiệp đưa hàng Việt ra thế giới

Thương vụ tại các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế (thương vụ) là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương và là một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Thương vụ có chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế – thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về Bộ Công Thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã trở thành “cánh tay nối dài” đưa hàng Việt ra thế giới, đóng góp cho tăng trưởng xuất, nhập khẩu.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức, tháng 7-2022

Hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại, từ đó kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm kết nối hiệu quả doanh nghiệp với thị trường. Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Trên thực tế, hoạt động của thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần đưa kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa nước ta tiếp tục đà tăng trưởng cao, đạt trên 435 tỷ USD trong 7 tháng năm 2022, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 16,8%, tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Trong bối cảnh các hình thức thương mại đã thay đổi, không chỉ đơn giản là kết nối bán hàng, các cán bộ thương vụ là những đại sứ kinh tế của đất nước ở ngoài nước, là cụm “ăng-ten” để thu phát các thông tin từ chính sách của nước sở tại.

Các thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các bộ, ngành và các doanh nghiệp để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài. Đặc biệt, các thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài. Nhiều thương vụ đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo về thương mại – đầu tư ở Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài, Ngày mua hàng Việt Nam và tham gia quảng bá cho hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các hệ thống siêu thị của nước sở tại.

Hệ thống thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiện nay bao gồm 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á – châu Phi có 28 thương vụ và 4 chi nhánh (kể cả 2 thương vụ là Iraq và Lebanon chưa triển khai). Số thị trường kiêm nhiệm: 55; khu vực châu Âu – châu Mỹ có 26 thương vụ và 3 chi nhánh. Số thị trường kiêm nhiệm: 60.

Ngoài ra, có một Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 văn phòng xúc tiến thương mại (một trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).

Từ đầu năm 2022 đến nay, với việc tham gia chuỗi 30 phiên tư vấn thị trường xuất khẩu, trên 20 hội nghị giao thương trực tuyến và 3 hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu của 63 tỉnh, thành phố, hệ thống thương vụ tại nước ngoài đã phổ biến thông tin và hướng dẫn tiếp cận thị trường, giúp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, hệ thống thương vụ đã nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, qua đó đề xuất biện pháp, chính sách phản ứng phù hợp, kịp thời.

Hàng Việt Nam tại phòng trưng bày sản phẩm của Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia – Ảnh: Thương vụ Saudi Arabia

Thời gian tới, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tạo cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp trong nước với các thị trường thế giới.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *