VAI TRÒ CỦA HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
21-08-2023 09:37 AM
Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.
Xúc tiến thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trước hết, xúc tiến thương mại là hoạt động đầu tiên quan trọng không thể thiếu được và cần phải tiến hành trước khi doanh nghiệp muốn xâm nhập, muốn mở rộng thị trường, mở rộng khả năng ảnh hưởng của mình trong hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, xúc tiến thương mại mang đến cho người tiêu dùng những thông tin cần thiết về sản phẩm và doanh nghiệp, để định hướng người tiêu dùng trong việc lựa chọn, đưa ra quyết định mua hàng.
Thứ ba, xúc tiến thương mại là một phương tiện làm tăng hiệu quả kinh doanh khi làm rõ sự khác biệt sản phẩm của doanh nghiệp so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, thông qua đó tăng số lượng bán và giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm.
Thứ tư, thông qua hoạt động khuyến mại, tổ chức hội chợ triển lãm... doanh nghiệp có thêm kênh để tiếp xúc với khách hàng, mở rộng và thắt chặt quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, để hiểu biết và giữ khách hàng tốt hơn.
Thứ năm, với các công cụ của xúc tiến thương mại đều là những phương tiện cạnh tranh mạnh, là phương tiện đẩy hàng đi trong lưu thông, giúp doanh nghiệp mau chóng lôi kéo khách hàng, mở rộng thị trường và phát triển hoạt động kinh doanh.
Thứ sáu, trong thời kì hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các công cụ xúc tiến thương mại là những phương tiện hữu hiệu, là cầu nối để giúp doanh nghiệp xâm nhập vào thị trường quốc tế, người tiêu dùng nước ngoài biết đến và tiêu dùng những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Bên cạnh đó, xúc tiến thương mại còn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quốc gia, địa phương và người dân:
Vai trò của xúc tiến thương mại đối với quốc gia
Xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Đây là một công cụ hữu hiệu để giải quyết đầu ra cho nhiều ngành sản xuất, tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất nhập khẩu.
Xúc tiến thương mại gắn kết nền kinh tế đất nước với kinh tế thế giới. Thông qua các hoạt động ngoại thương, thị trường trong nước sẽ liên kết chặt chẽ với thị trường nước ngoài. Xúc tiến thương mại giúp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thiết lập và tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của đất nước trên thị trường quốc tế.
Vai trò của xúc tiến thương mại đối với địa phương
Xúc tiến thương mại sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực, kích thích tăng trưởng kinh tế, gắn kết nền kinh tế của tỉnh với kinh tế thế giới thông qua các hình thức hoạt động như giới thiệu, quảng bá về văn hóa, vùng đất, con người, tiềm năng thế mạnh của địa phương; mở rộng và liên kết các thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm,….Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Vai trò của xúc tiến thương mại đối với người dân
Xúc tiến thương mại có vai trò tác động và góp phần thay đổi cơ cấu tiêu dùng. Nhu cầu của người tiêu dùng thường không cố định, họ luôn có những nhu cầu tiềm ẩn, nên vai trò của xúc tiến thương mại là đánh thức những nhu cầu đó và kích thích người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm khác. Xúc tiến thương mại có hiệu quả sẽ chiếm được lòng tin của khách hàng, sự yên tâm về chất lượng, giảm thiểu rủi ro và nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng.
Hoạt động xúc tiến thương mại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, có nhiều vấn đề dang đặt ra đối với hoạt động này trong việc phát huy vai trò của. Đó là:
Hỗ trợ và cung cấp các thông tin nghiệp vụ cần thiết và chính xác là một trong những yêu cầu bức thiết. Hiện nay, môi trường và thị trường kinh doanh đã có những thay đổi lớn, tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và sự phát triển của xã hội. Ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới, hạn ngạch xuất nhập khẩu sẽ bị bãi bỏ cùng với các khoản thuế đánh vào hàng nhập khẩu. Điều này tạo thuận lợi lớn cho việc giao thương nhưng cũng đưa các nhà kinh doanh vào môi trường cạnh tranh gay gắt trên trường quốc tế. Các thông tin về các hiệp định thương mại, thuế quan, hàng rào phi thuế quan là rất cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu thường ít được thông tin đầy đủ. Vì thế, vai trò của xúc tiến thương mại là phải cập nhật và nắm vững thông tin để cung cấp cho doanh nghiệp một cách kịp thời và chính xác.
Tăng cường vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và tìm kiếm khách hàng. Bên cạnh môi trường kinh doanh thay đổi, thị trường kinh doanh hiển nhiên cũng thay đổi liên tục. Các yếu tố cấu tạo nên thị trường như nhu cầu của người tiêu dùng, nhà sản xuất, kênh phân phối, giao dịch, dịch vụ … hiện nay đã khác hẳn những năm trước đây. Hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại phải nhanh nhạy với những thay đổi của thị trường, nắm bắt và dự báo xu hướng thị trường để tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Xúc tiến thương mại sẽ làm cầu nối đưa doanh nghiệp đi nghiên cứu mở rộng thị trường, giúp doanh nghiệp hiểu và thận trọng hơn khi lựa chon bạn hàng, thị trường và phương thức kinh doanh khi ký kết hợp đồng.
Đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin một cách có hiệu quả. Internet cũng là một công cụ rất hữu ích cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà xuất khẩu. Đây là kênh thu thập và phổ biến thông tin, công cụ bán hàng và marketing hữu hiệu. Thông qua đó, người ta có thể chào giá, giới thiệu sản phẩm, giao dịch, … với các công ty khác trên khắp thế giới. Nhưng trên thực tế, sử dụng công cụ này như thế nào cho hiệu quả, mang lại lợi nhuận là điều không phải doanh nghiệp, tổ chức nào cũng làm được. Do đó, vai trò của các tổ chức xúc tiến thương mại là tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ thương mại điện tử để doanh nghiệp có khả năng sử dụng công cụ này. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến đào tạo nghiệp vụ chuyên môn để nâng cao hơn nữa khả năng và trình độ quản lý của doanh nghiệp.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá. Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu cũng là một yêu cầu cấp thiết, khẳng định vị thế, uy tín của hàng hoá và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực thâm nhập, duy trì và phát triển thị trường cả trong nước và nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước mà chúng ta còn phải cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Một sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền dưới mắt người tiêu dùng thì đó là biểu tượng xác định uy tín về mặt chất lượng của sản phẩm, mặt khác nó còn khẳng định về mặt trách nhiệm của nhà cung cấp đối với người tiêu dùng. Do vậy, sức mua trên thị trường đối với những sản phẩm có thương hiệu thường lớn hơn, và ngưòi tiêu dùng sẳn sàng chi trả cao hơn những sản phẩm cùng loại mà không có thương hiệu. Nói tóm lại, chất lượng và thương hiệu của sản phẩm là điều kiện tiên quyết trong môi trường cạnh tranh. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hiểu và bắt tay vào làm là cả một quá trình. Do đó, vai trò của xúc tiến thương mại là làm sao tư vấn, cung cấp thông tin và hướng dẫn để doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của thương hiệu và có sự đầu tư nhất định cho việc phát triển thương hiệu. Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm còn quá ít so với tiềm năng, chất lượng sản phẩm cũng chưa thật đều và cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Một số hoạt động sụ thể như:
Khuyến mại
Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.
Thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh; Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.
Một số hình thức khuyến mại: Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền. Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố. Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại. Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.
Quảng cáo thương mại
Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình
Sản phẩm quảng cáo thương mại gồm những thông tin bằng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại
Phương tiện quảng cáo thương mại là công cụ được sử dụng để giới thiệu các sản phẩm quảng cáo thương mại. Bao gồm: Các phương tiện thông tin đại chúng; Các phương tiện truyền tin; Các loại xuất bản phẩm; Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông hoặc các vật thể di động khác; Các phương tiện quảng cáo thương mại khác.
Một số hoạt động quảng cáo thương mại bị cấm: Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Quảng cáo có sử dụng sản phẩm quảng cáo, phương tiện quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; và trái với quy định của pháp luật. Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc cấm quảng cáo. Lợi dụng quảng cáo thương mại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật.
Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân dùng hàng hoá, dịch vụ và tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để giới thiệu với khách hàng về hàng hoá, dịch vụ đó.
Các hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ: Mở phòng trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ; Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ tại các trung tâm thương mại; hoặc trong các hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, nghệ thuật; Tổ chức hội nghị, hội thảo có trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ; Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ trên Internet; và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp cấm trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ: Tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cảnh quan, môi trường, sức khoẻ con người. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ; hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ làm lộ bí mật nhà nước. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá của thương nhân khác để so sánh với hàng hoá của mình; trừ trường hợp hàng hoá đem so sánh là hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Trưng bày, giới thiệu mẫu hàng hoá không đúng với hàng hoá đang kinh doanh nhằm lừa dối khách hàng.
Xúc tiến thương mại có vai trò trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội. Vậy, làm thế nào để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi người làm công tác xúc tiến thương mại phải có kiến thức về kinh tế vĩ mô, giao thương quốc tế, công nghệ thông tin…; cập nhật và bổ sung kiến thức thường xuyên để nâng cao trình độ; nhận thức được những gì đang diễn ra; có óc phán đoán, tiên liệu xu hướng thị trường để có thể tư vấn một cách hữu hiệu cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định được các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của mình để linh hoạt và thích ứng khi điều kiện thị trường thay đổi. Tuy nhiên, vấn đề chính là doanh nghiệp phải năng động, tự nhận thức được những thay đổi trên thế giới, và có ý thức tự vận động để tồn tại và phát triển./.