VẬN HÀNH LOGISTICS TẠI HẢI PHÒNG

 Vận hành logistics bao gồm tất cả các hoạt động có liên quan đến việc hoàn thành một hoạt động logistics. Đến lượt mình, hoạt động logistics lại đòi hỏi phải có hỗ trợ logistics và dịch vụ logistics. Dịch vụ logistics có thể liên quan tới nguyên vật liệu thô, hàng thành phẩm, đào tạo nhân lực, hoạt động sửa chữa hay bất kỳ hoạt động logistics nào. Vận hành logistics kết thúc bằng việc đáp ứng yêu cầu đối với dịch vụ. Do đó, có thể đưa ra kết luận rằng vận hành logistics liên kết chu kỳ hoạt động của doanh nghiệp, bắt đầu bằng việc xác định nhu cầu logistics và kết thúc bằng việc tìm ra giải pháp giải quyết nhu cầu đó.

Logistics liên kết các chức năng khác nhau của doanh nghiệp, liên kết nhà cung cấp với doanh nghiệp và khách hàng với doanh nghiệp. Mối liên hệ này bao gồm cả hoạt động vận tải và thông tin liên lạc nhằm thúc đẩy nhu cầu đối với việc vận hành logistics và liên kết chu kỳ vận động của nguyên vật liệu, chu kỳ chuyển giao lưu kho cũng như chu kỳ của sản phẩm vào chu kỳ hoạt động tổng thể của logistics.

Chu kỳ hoạt động của logistics được bắt đầu từ việc nhận thức được nhu cầu về dịch vụ logistics. Việc nhận thức được nhu cầu này sẽ dẫn tới yêu cầu về dịch vụ. Các yêu cầu này có thể đến từ khách hàng hay người tiêu dùng (thể hiện qua chu kỳ của sản phẩm), nó cũng có thể xuất phát từ phía doanh nghiệp (thể hiện qua chu kỳ vận động của nguyên vật liệu hay chu kỳ chuyển giao lưu kho nội bộ). Chính các yêu cầu này lại định hướng cho các hoạt động logistics cần thiết cho sự di chuyển của nguyên vật liệu vào trong nhà máy, bán thành phẩm trong quá trình sản xuất và thành phẩm ra khỏi nhà máy.

Dễ dàng nhận thấy việc lưu kho nguyên vật liệu được liên kết với các nhà kho chứa hàng để trở thành một phần của doanh nghiệp. Một số sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng, do đó nó đặc định được số lượng nguyên vật liệu cần phải lưu kho để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Điều này kéo theo hệ quả là doanh nghiệp cũng chỉ lưu kho một số lượng thành phẩm hữu hạn để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Chu kỳ hoạt động của logistics được đo thông qua hiệu quả và năng suất. Hiệu quả được thể hiện ở chỗ mục tiêu đề ra được hoàn thành tốt như thế nào, còn năng suất thể hiện ở việc chi ra các nguồn lực để đạt được mục tiêu đó. Lấy ví dụ về việc cung cấp mức độ dịch vụ tốt nhất có thể đối với sản phẩm máy rửa bát chén. Mức độ tối ưu của dịch vụ có thể được thể hiện ở điểm: với mỗi máy rửa bát chén có một nhân viên kỹ thuật sẵn sàng sửa chữa khi cần. Xét về khía cạnh đạt được mục tiêu đề ra là cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể thì điều này hoàn toàn hiệu quả, nhưng xét ở khía cạnh các nguồn lực phải bỏ ra thì điều này không năng suất.

Vì vậy có thể thấy rõ rằng khách hàng chính là người kiểm soát chu kỳ hoạt động của logistics. Yêu cầu của khách hàng về một sản phẩm sẽ tạo nên chu kỳ của sản phẩm và điều này kéo theo hệ quả là việc mua hàng sẽ làm giảm số lượng hàng lưu trữ trong kho. Hàng hoá giảm đi trong kho sẽ kích thích quá trình sản xuất, như vậy nguyên vật liệu lại được đưa vào doanh nghiệp để chuyển thành thành phẩm. Quá trình sản xuất tiêu thụ nguyên vật liệu và tạo ra nhu cầu đối với nguyên vật liệu mới cho doanh nghiệp. Và sự kiểm soát của khách hàng ở dạng này được thể hiện qua một triết lý gọi là hoạt động Marketing.

Việc chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường, nơi khách hàng là “thượng đế” là một cuộc cách mạng lớn. Trước những năm 50, người ta áp dụng triết lý hướng về sản xuất, tức là tập trung chủ yếu vào khả năng sản xuất và bán sản phẩm của doanh nghiệp, còn khách hàng chỉ được coi là nơi chứa hàng hoá.

Việc ngày càng có nhiều hàng hoá và cạnh tranh gay gắt giữa những loại hàng hoá có thể thay thế cho nhau đã dẫn tới sự hình thành định hướng tới thị trường vào những năm 50. Việc chuyển sang tư duy về Marketing là một triết lý mới trong kinh doanh, nó đòi hỏi doanh nghiệp phải điều tra về dung lượng thị trường để đưa ra quyết định thị trường cần cái gì và sản xuất các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đó của thị trường. “Bán cho khách hàng cái mà họ cần” đã trở thành phương châm kinh doanh mới.

Phương thức kinh doanh hướng tới thị trường đã tạo nên một số thử thách mới đối với các nhà quản trị. Nó đòi hỏi các nhà quản trị phải biết được đâu là thị trường của doanh nghiệp, nó đưa ra tư duy về dịch vụ khách hàng hiệu quả và hỗ trợ sản phẩm, nó giúp đưa đúng sản phẩm tới đúng nơi cần vào thời điểm thích hợp với mức giá phải chăng, nó thiết lập nhu cầu phải có kênh phân phối để tối đa hoá lượng hàng bán ra với mức giá hợp lý và nó đòi hỏi phải có sự hỗ trợ đối với sản phẩm sau khi chuyển giao quyền sở hữu. Từ đây ta có thể thấy mối liên hệ khăng khít giữa tư duy về Marketing với tư duy về hỗ trợ logistics tích hợp.

Cho dù doanh nghiệp hay khách hàng quyết định về sản phẩm thì chính bản thân sản phẩm sẽ quyết định loại kênh phân phối và việc sử dụng các nguồn lực trong doanh nghiệp. Thông qua việc chuyển đổi các nguồn lực này, quá trình sản xuất sẽ tạo ra thành phẩm và thành phẩm lại được chuyển tới khách hàng. Sản phẩm có được sản xuất lâu dài hay không chỉ có thể được quyết định thông qua hoạt động bán hàng. Doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục hoạt động nếu như sản phẩm sản xuất ra không bán được.

Doanh nghiệp định hướng vào thị trường sẽ sử dụng các nghiên cứu về thị trường để đảm bảo sản phẩm nào có tiềm năng được khách hàng ưa thích. Và logistics, là một chức năng cơ bản trong doanh nghiệp, có vai trò quan trọng trong quá trình khách hàng tiếp cận, chấp nhận và tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp. Vai trò này sẽ thay đổi tuỳ theo từng pha của vòng đời sản phẩm.

Sản phẩm cũng như con người, đều có quá trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi già lão và mất đi. Vòng đời của sản phẩm có thể kéo dài trong vài tháng, cũng có thể trong vài thập kỷ và còn lâu hơn nữa. Một vòng đời sản phẩm có bốn pha, bao gồm pha giới thiệu sản phẩm, pha tăng trưởng, pha bão hoà và pha suy thoái.

Các sản phẩm mới sẽ được tung ra thị trường tại pha giới thiệu sản phẩm và chỉ nhận được sự chấp nhận hữu hạn của thị trường. Sản phẩm mới phải được khuyếch trương mạnh để cộng đồng tiêu dùng có thể nhận ra được sự xuất hiện, ưu điểm và các sử dụng sản phẩm đó. Trong pha giới thiệu này, logistics có nhiệm vụ cơ bản là thiết lập nên kênh phân phối có hiệu quả cao. Chi phí về logistics trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ tương đối cao vì chi phí thiết lập nguồn lực logistics, yêu cầu cao về mức độ sẵn sàng của sản phẩm và sự cần thiết phải có phản hồi nhanh chóng đối với các đơn đặt hàng.

Khi sản phẩm đạt được sự chấp nhận của cộng đồng tiêu dùng thì sản phẩm bước vào pha tăng trưởng. Trong pha này, doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh vì các sản phẩm cạnh tranh vẫn chưa gia nhập thị trường. Pha thứ hai này có thể kéo dài từ vài ngày cho tới vài năm. Hoạt động logistics trong pha tăng trưởng này sẽ chuyển từ việc chú trọng vào sự khuyếch trương của doanh nghiệp sang mối quan tâm thực tế hơn là chi phí và dịch vụ. Cạnh tranh ít và nhu cầu cao đối với sản phẩm cho phép doanh nghiệp quản lý các kênh phân phối một cách thuận lợi nhằm tối thiểu hoá chi phí logistics trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Khi sản phẩm được thị trường chấp nhận rộng rãi và có doanh thu ngày càng tăng thì sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh muốn nhảy vào thị trường của doanh nghiệp. Giai đoạn này được gọi là pha bão hoà, với đặc điểm là cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Cạnh tranh khốc liệt đã dẫn tới việc giảm lợi nhuận và tăng nhu cầu sử dụng các nguồn lực logistics một cách hiệu quả. Chức năng của logistics trong giai đoạn này lại chuyển sang đáp ứng yêu cầu về sản phẩm và dịch vụ ở mức độ cao do doanh nghiệp cố gắng duy trì và tăng số lượng khách hàng lên. Chi phí logistics trung bình trên mỗi đơn vị sản phẩm tăng lên cùng với sự chú ý ngày càng tăng tới dịch vụ khách hàng.

Pha suy thoái được thể hiện ở điểm thị trường bị thu hẹp. Sản phẩm không còn được ưa chuộng. Hoạt động logistics phải tiếp tục hỗ trợ cho sản phẩm nhằm tránh những rủi ro không đáng có. Tối thiểu hoá rủi ro đã trở thành động lực cho hoạt động logistics trong giai đoạn này. Tuy nhiên, hỗ trợ logistics sẽ chưa kết thúc cùng với quyết định ngừng sản xuất. Doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm cung cấp sự hỗ trợ cho sản phẩm trong một thời gian nhất định sau khi sản xuất. Và trong trường hợp này, logistics phải đảm bảo rằng các bộ phận thay thế và các phương tiện phục vụ dịch vụ khách hàng tiếp tục có khả năng đáp ứng cho khách hàng.

Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương ở Việt Nam có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics như: Có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc; có nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn phù hợp với phương thức vận tải thương mại quốc tế. Trên thực tế, hoạt động logistics tại Hải Phòng đã phát triển tương xứng với tiềm năng, để ngành dịch vụ logistics ở Hải Phòng phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập, thời gian tới, Thành phố cần vận hành và phát triển dịch vụ logistics hiện đại, thông minh, hiệu quả, đẳng cấp quốc tế, phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển chung của Thành phố, đặc biệt chú trọng đến logistics hàng không, hàng hải. TP Hải Phòng phát triển dịch vụ logistics hiện đại, thông minh, hiệu quả, đẳng cấp quốc tế.

Hải Phòng là cửa ngõ của khu vực phía Bắc, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới với tiềm năng phát triển kinh tế – xã hôi to lớn và hệ thống cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực phía Bắc, đứng thứ hai toàn quốc (sau TP. Hồ Chí Minh). Hải Phòng nhiều DN lớn trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ cảng biển và logistics… Để tận dụng những lợi thế này, trong những năm qua, TP. Hải Phòng luôn chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng logistics với mục tiêu nhằm xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics hiện đại của đất nước.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng tăng cao qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Điều này cho thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ở Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Hải Phòng là đầu mối giao thông của phía Bắc với đủ 5 loại hình giao thông bao gồm: Đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa. Tại Hải Phòng, có nhiều DN cảng, vận tải, xuất nhập khẩu, tiềm năng về phát triển logistics hàng đầu cả nước. Các DN trong nước và nước ngoài đến với Hải Phòng đầu tư phát triển logistics liên tục gia tăng. Cho đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có hơn 500 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có nhiều trung tâm logistics lớn như: Trung tâm logistics của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, GSL, DH, Yusen, Hải An … Hệ thống cảng biển và hàng không, cùng các điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi là tiền đề cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics tại TP. Hải Phòng.

Tiềm năng, lợi thế về dịch vụ cảng, dịch vụ logistics sẽ ngày càng có cơ hội phát triển khi các dự án quan trọng như: Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, cao tốc ven biển Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đã và đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ và đi vào hoạt động. Như vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại và đồng bộ đã giúp dịch vụ logistics ở địa phương này có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

Một lợi thế khác là sự ra đời của khu bến cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện với khả năng tiếp nhận tàu biển lớn và tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế sẽ gia tăng nhanh chóng lượng hàng hóa, kéo theo đó là sự phát triển mạnh mẽ nhu cầu đối với các loại hình dịch vụ logistics.

Cùng với đó, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua đàm phán và ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Đây là những chất “xúc tác” cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước, gia tăng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua khu vực cảng biển Hải Phòng, là cơ hội để phát triển dịch vụ logistics.

Thực tế cho thấy, hiện nay, Hải Phòng có khoảng 20 trung tâm logistics, nhưng phần lớn là nhỏ, chỉ phục vụ được một hoặc một số ít DN; chỉ tham gia vào một vài hoạt động trong chuỗi logistics. Hải Phòng có kế hoạch xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics bao gồm: Xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục hải quan, dịch vụ khác, hỗ trợ bán buôn, vận tải dịch vụ biển, vận tải dịch vụ đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, vận tải đa phương thức, kiểm định, dịch vụ hỗ trợ vận tải…

Với nền tảng định hướng quy hoạch trên, TP. Hải Phòng chuyển hóa loại hình dịch vụ logistics tự cấp, tự có (1PL) sang tập trung hoàn thiện loại hình dịch vụ 2PL (cung cấp dịch vụ cho bên thứ 2) và ưu tiên phát triển dịch vụ 3PL (cung cấp dịch vụ cho bên thứ 3 hoặc theo hợp đồng). TP. Hải Phòng nên tập trung chuyển đổi loại hình dịch vụ 2PL, 3PL và ưu tiên phát triển cấp cao hơn như 4PL (nhà cung cấp logitics chủ đạo) và 5PL (cung cấp dịch vụ cho bên thứ 5) … Việc đưa cấp 4PL, 5PL vào quy hoạch thể hiện quyết tâm rất lớn của TP. Hải Phòng hướng đến dịch vụ logistics chuyên nghiệp.

Mặc dù, đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng quá trình phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Cụ thể:

Chưa có các chính sách hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics. Hải Phòng chưa có chính sách ưu đãi giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được.

Hoạt động dịch vụ logistics tại Hải Phòng hiện vẫn chịu sự quản lý và giám sát của đa cấp, đa ngành, chưa có những cơ chế chính sách cụ thể giúp ngành dịch vụ logistics của Hải Phòng phát triển, gây nhiều chồng chéo phức tạp.

Hoạt động dịch vụ logistics tại Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng là một trong những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

Dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm DN phần lớn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố đã gây ra nhiều bất cập như: cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả…

Chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ, xe đa phần chạy hàng một chiều), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp. Chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục, khiến tăng thêm về chi phí.

Hệ thống hạ tầng logistics chưa có các khu dịch vụ logistics quy mô lớn hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển. Các khu kho hàng, bến bãi dịch vụ vệ tinh chưa được quy hoạch, phát triển tự phát, nhỏ lẻ bám theo các cảng, gây tình trạng lộn xộn, manh mún, chưa gắn kết với các cảng cạn tại khu vực hậu phương, các trung tâm sản xuất tiêu thụ hàng hóa chủ yếu.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, TP. Hải Phòng cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics theo hướng hiện đại, thu hút DN mạnh trong lĩnh vực logistics tham gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực logistics; cùng với đó phải quan tâm thu hút, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Hai là, tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một trung tâm logistics phát triển với các chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động logistics như giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics; Giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được

Ba là, nghiên cứu phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn Thành phố gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế của Hải Phòng, đồng thời liên kết với các trung tâm logistics khác trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Bốn là, huy động tối đa các nguồn lực từ bên ngoài như: Vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hình thức hợp tác công – tư (PPP), xã hội hóa cho phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố.

Năm là, đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối các trung tâm logistics với khu vực cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối với các vành đai và hành lang kinh tế theo đúng quy hoạch đã đề ra.

Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics (hệ thống giao dịch không giấy tờ, thanh toán điện tử, giao dịch trực tiếp…); xây dựng cổng thông tin giao dịch thương mại trên nền thông tin logistics tích hợp với thuế, hải quan, ngân hàng điện tử để tạo mối liên kết thúc đẩy loại hình dịch vụ logistics phát triển./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *