Hiện thực hoá dự báo
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, quý I/2021 xuất khẩu nhóm hàng dệt may tăng 1,1% so với cùng kỳ, đạt 7,18 tỷ USD; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Sự hồi sức về xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2021 đã được nhiều chuyên gia và các tổ chức dự báo. Trong báo cáo công bố đầu tháng 3/2021, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi theo triển vọng phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu dệt may đạt 6,8% tỷ USD trong quý I/2021 do nhu cầu bị dồn nén mạnh ở các nước như Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc dự báo sẽ hồi phục sau đại dịch. VNDIRECT kỳ vọng, xuất khẩu dệt may Việt Nam trong quý II/2021 sẽ tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu mặt hàng dệt may dần hồi phục |
Dự báo trên được đánh giá là có căn cứ, bởi con số dự báo về kim ngạch xuất khẩu dệt may quý I tương đối sát. Cùng đó, những dự báo tích cực đang phủ khắp thị trường dệt may toàn cầu. Theo báo cáo thị trường dệt may toàn cầu, tổng cầu dệt may thế giới dự kiến sẽ tăng từ 594 tỷ USD năm 2020 lên 654 tỷ USD vào năm 2021, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam – tăng 20% so với cùng kỳ lên 115 tỷ USD, trong khi tổng nhu cầu dệt may đối với thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tích cực vào năm 2021.
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp
Sự hồi phục xuất khẩu của ngành dệt may có được, đầu tiên là nhờ nỗ lực của Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng rất nhanh có động thái hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hoá. Thông qua hội nghị giao thương trực tuyến, các doanh nghiệp Ấn Độ có ấn tượng tốt và đang xem xét hợp tác đầu tư vào lĩnh vực dệt may với Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may nội địa. Điều này đem lại kỳ vọng tỷ trọng giá trị nhập khẩu vải từ Ấn Độ của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng từ 1% lên 8% trong năm 2021. Đồng thời giúp ngành giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.
Việt Nam cũng đã đàm phán với các nước trong EU về điều khoản cho phép các doanh nghiệp Việt Nam bổ sung xuất xứ của nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU. VNDIRECT dự báo, giá trị nhập khẩu vải của Việt Nam từ thị trường Hàn Quốc sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2021-2022, chiếm 25% tổng kim ngạch nhập khẩu vải.
Sự trợ sức kịp thời của Chính phủ là nền tảng tốt cho ngành dệt may từng bước khắc phục khó khăn, gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, không thể không kể tới sự chủ động của chính bản thân doanh nghiệp trong quá trình ổn định sản xuất, tìm kiếm đơn hàng và đặc biệt là mạnh dạn tái cơ cấu sản xuất để phù hợp với thay đổi của thị trường.
Tổng công ty May Đức Giang là một ví dụ, năm 2020 cho dù dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chặn đứng đơn hàng ngành dệt may suốt 2 quý đầu năm, công ty vẫn tiến hành kế hoạch phát triển 4 trung tâm nghiên cứu phát triển; 2 trung tâm bán hàng online và phòng bán hàng và ODM. Công ty tập trung xúc tiến thương mại các đơn hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu cho đến thành phẩm) và ODM (chủ động từ khâu thiết kế, nguyên liệu đến thành phẩm), giảm gia công; đưa tỷ trọng doanh thu nội địa lên 30% tổng doanh thu, chú trọng phát triển hàng thời trang, đưa chất lượng nội địa ngang hàng xuất khẩu.
Sự hồi phục xuất khẩu bước đầu của dệt may Việt Nam đã mở ra những tín hiệu tích cực cho quý II. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dệt may vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Diễn biến gia tăng của dịch Covid-19 có thể khiến vận chuyển hàng hóa tiếp tục gặp trở ngại. Để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.