Nhiều dư địa tăng trưởngSau hơn 25 năm gia nhập ASEAN, thương mại hai chiều Việt Nam và ASEAN đã có bước tăng trưởng nhảy vọt. Theo đó, năm đầu tiên hội nhập ASEAN, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN chỉ đạt mức khiêm tốn 3,5 tỷ USD; đến năm 2015 đã tăng 12 lần, đạt 42 tỷ USD và năm 2020 tuy có sụt giảm nhưng vẫn đạt mức 53,6 tỷ USD, tăng 15,4 lần so với năm 1995, chiếm 9,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
7 tháng năm đầu năm nay, mặc dù tiếp tục chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt giá trị 16,1 tỷ USD, tăng 25,9%, nhập khẩu đạt 24,7 tỷ USD, tăng 48,2%. Một số mặt hàng tăng cao như điện tử, máy tính và linh kiện tăng 66,8%; sắt, thép tăng 24,5%.
|
Điện tử và linh kiện là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường ASEAN |
ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; người dân ASEAN có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt; khoảng cách địa lý gần. Do đó, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều hàng hóa của Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn.
Ông Nguyễn Phúc Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) – cho biết, hàng Việt Nam còn nhiều cơ hội tốt để xâm nhập thị trường ASEAN. Hiện, Indonesia, Thái Lan, Philippines là ba thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam nhiều nhất với chủng loại hàng hóa khá đa dạng. Trong đó, thị trường Thái Lan ưa chuộng mặt hàng trái cây sấy khô và các sản phẩm dệt may dành cho khách du lịch của Việt Nam; Indonesia và Philippines thì có nhu cầu nhập khẩu nhiều máy phát điện, máy bơm nước, thiết bị viễn thông... ASEAN cũng đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam.
Ngoài ra các mặt hàng khác cũng rất tiềm năng như: Hàng chế biến, chế tạo, điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chè, vật liệu xây dựng, dệt may…
Tận dụng tối đa lợi thế
Mặc dù là thị trường có nhiều lợi thế về khoảng cách địa lý, ưu đãi thuế quan, văn hóa… tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt thị trường ASEAN. Trong 10 năm gần đây, nhập siêu liên tục ở mức 6-7 tỷ USD, chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2021, nhập siêu từ thị trường ASEAN ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này trong thời gian tới, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các FTA giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Do một số nước trong ASEAN có mức tương đồng cao về cơ cấu sản phẩm, Việt Nam cần sẵn sàng đón nhận và tích cực tham gia vào quá trình dịch chuyển vốn trong nội khối ở những nhóm ngành hàng này và chủ động hợp tác với các nước ASEAN xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế ra thị trường thế giới.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu cũng như các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia để có chiến lược tiếp cận hiệu quả.