Trong khi các mặt hàng xuất khẩu thủy sản nói chung bị giảm mạnh bởi tác động từ đại dịch thì riêng sản phẩm tôm vẫn đạt mức tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm nay. Dự báo đến hết năm 2020, nhiều khả năng xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ đạt kim ngạch khoảng 3,8 tỷ USD.
Tăng trưởng trong khó khăn
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính hết tháng 7, xuất khẩu tôm của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch tích cực 12,1% so với cùng kỳ, thu về gần 2 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu như hiện nay.
Tôm xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng 12% trong 7 tháng đầu năm nay |
Nói về nguyên nhân ngành tôm xuất khẩu tăng trưởng tốt trong khi các ngành hàng thủy sản khác, đặc biệt là cá tra sụt giảm mạnh, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – chỉ ra: Dịch bệnh khiến các hoạt động ăn uống của người dân thế giới giảm mạnh. Riêng con tôm, do có nhiều sản phẩm chế biến và bán nhiều ở siêu thị tại các thị trường nên không bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, các nước xuất khẩu mặt hàng tôm (cạnh tranh với Việt Nam) như Indonesia, Thái Lan, Ecuardo, Ấn Độ… cũng bị tác động từ đại dịch khiến hoạt động đánh bắt và xuất khẩu bị hạn chế, trong khi chúng ta lại kiểm soát rất tốt dịch bệnh từ đầu năm nên các hoạt động sản xuất vẫn duy trì.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm đạt kết quả tốt, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và TM Thuận Phước – chia sẻ: Đến thời điểm này, Thuận Phước xuất khẩu được 3.000 tấn tôm và các sản phẩm làm từ con tôm, tăng 8% so với cùng kỳ; đạt trên 31 triệu USD, tăng gần 6%. Thị trường chủ lực của Thuận Phước hiện vẫn là Mỹ và EU. “Các mặt hàng chế biến sẵn hiện được tiêu thụ rất tốt và sản phẩm làm từ tôm là thế mạnh của công ty nên tình hình kinh doanh của công ty vì thế không bị tác động từ dịch bệnh”, ông Lĩnh cho biết.
Nhiều giải pháp duy trì xuất khẩu đến hết năm
Dù đạt triển vọng khả quan trong thời gian qua song ông Hòe cho biết, tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm của ngành vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Bởi lẽ hiện tại các nước EU và Mỹ dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát, trong khi đây là 2 thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam nên giá trị xuất khẩu tăng hay giảm còn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động kiểm soát dịch của họ. Tuy nhiên ông Hòe vẫn dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm có khả năng sẽ đạt mức 3,8 tỷ USD.
Với diễn tiến thị trường như vậy, ngành tôm Việt phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng để giữ vững thị trường. Theo TS Hồ Quốc Lực – nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam – để làm được chúng ta cần chú trọng kiểm soát chất lượng tôm giống, đầu tư thêm hệ thống thủy lợi nuôi tôm nhằm giúp nâng cao tỉ lệ thành công cho người nuôi. Điều này sẽ dẫn đến giá thành nuôi thấp, tăng sức cạnh tranh tôm Việt Nam trên thương trường thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến tôm cần quan tâm chọn lọc nguyên liệu đạt chuẩn, đừng vì ham rẻ sẽ ảnh hưởng lâu dài. Nếu tất cả cơ sở chế biến đều ý thức, tôm nguyên liệu xấu sẽ không tồn tại.
Song song đó, để khâu tiếp thị và bán hàng thuận lợi, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho mình. Đây là chuyện khó, đòi hỏi sự kiên trì và tốn không ít chi phí, nhân lực, thời gian. Nhất là muốn xây dựng thương hiệu thành công bền vững đòi hỏi một sự đồng bộ lớn từ nhận thức đến hành động như xây dựng văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng để cùng nhìn về một hướng, coi trọng đạo đức kinh doanh, thực thi trách nhiệm xã hội, thực thi các chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững…
Mặt khác, các thông tin diễn biến về tình hình giá cả, cung cầu thế giới về con tôm cũng được VASEP cập nhật hàng tuần qua các bản tin tuần và trên website của mình. Tất cả nội dung này trong quá trình dài đã đóng góp không nhỏ tạo ra diện mạo ngành tôm hiện nay. Cho nên các doanh nghiệp tham gia kinh doanh tôm nên hết sức quan tâm tìm hiểu các thông tin về tôm từ VASEP, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, mới gia nhập ngành còn nhiều việc phải lo lúc ban đầu.