Chi phí thiếu tính cạnh tranh
Logistics giống như “bánh xe” của nền kinh tế. Không nền kinh tế nào có thể chuyển mình về phía trước nếu thiếu đi lực đẩy từ hoạt động logistics. Đặc biệt, việc Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã tăng thêm động lực để xây dựng một ngành logistics mạnh mẽ và cạnh tranh.
Chi phí logistics đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu |
Các hiệp định thương mại trên có thể đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa Việt Nam và đối tác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Dòng chảy thương mại mạnh mẽ cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với dịch vụ logistics.
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, bà Stefanie Stallmeister – Giám đốc phụ trách hoạt động Dự án Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam – cho rằng: Logistics là một phần không thể thiếu của chuỗi giá trị, cả trong nước và quốc tế. Theo WB, trong những năm qua, Việt Nam đã cải thiện Chỉ số hoạt động logistics (LPI), từ thứ hạng 53 trong năm 2010 lên 39 vào năm 2018, và xếp hạng cao hơn so với một số nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Philippines nhưng xếp sau Thái Lan, Singapore, Trung Quốc.
Mặc dù ngành logistics đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Đặc biệt, hoạt động logistics kém hiệu quả làm tăng chi phí kinh doanh và giảm tiềm năng hội nhập trong nước và quốc tế. Trong cuộc khảo sát về hiệu quả logistics, nhiều doanh nghiệp cho biết, Việt Nam có mức phí và lệ phí cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Giảm chi phí logistics là chủ đề “nóng” được các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 |
“80% người trả lời khảo sát nói rằng Việt Nam có tỷ lệ vận tải đường bộ cao hoặc rất cao so với mức trung bình của 40% người được hỏi trong khu vực này. Tương tự, 40% người trả lời khảo sát cho biết Việt Nam có phí cảng và sân bay cao hoặc rất cao so với mức trung bình 30-35% người được hỏi trong khu vực. Trong đó, chi phí vận tải đường bộ đặc biệt quan trọng bởi hầu hết hàng hóa được vận chuyển bằng loại hình này” – bà Stefanie Stallmeister dẫn chứng.
Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nhận định: Với hơn 4.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, thách thức lớn nhất là chi phí vẫn còn cao. Số liệu thống kê của Armstrong & Associates (Hoa Kỳ) cho thấy, chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, và cao gấp gần 2 lần các nước phát triển, cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%.
Ba vấn đề trọng yếu
Theo ông Vũ Tiến Lộc, có ba vấn đề cơ bản khiến chi phí logistics còn thiếu tính cạnh tranh. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam được cải thiện đáng kể trong vòng một thập kỷ qua nhưng vẫn tồn tại những điểm nghẽn. Theo Niên giám thống kê vận tải và logistics Việt Nam 2019, tổng chiều dài đường bộ của Việt Nam là 630.564 km, nhưng tổng chiều dài các đường cao tốc đang vận hành lại chưa đến 2.000 km. Với khoảng gần 80% lưu lượng hàng hóa của doanh nghiệp được vận chuyển bằng đường bộ, nhu cầu về những tuyến đường cao tốc hoàn thiện rất cần thiết, đặc biệt là một trục chính có chất lượng cao như cao tốc Bắc – Nam.
Chi phí vận tải đường bộ vẫn ở mức cao |
Bên cạnh khó khăn từ vận tải đường bộ, hệ thống đường sắt trong nước khá lạc hậu và thiếu kết nối vào các cảng hàng hóa. Hệ thống đường thủy nội địa chưa được chú trọng khai thác hiệu quả. Các hạ tầng kết nối đường bộ với cảng biển như cảng container nội địa (ICD), hay các trung tâm logistics đa phương tiện vẫn còn thiếu vắng.
Thứ hai, gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính đang từng bước được gỡ bỏ nhưng dư địa để cải thiện vẫn còn rất nhiều. Theo những khảo sát gần đây của VCCI, các hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian để tuân thủ. Quy trình thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu rõ ràng và chồng chéo, đặc biệt ở các thủ tục hành chính liên ngành có sự tham gia của nhiều cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính vẫn phổ biến góp phần khiến chi phí logistics nói chung tăng lên.
Thứ ba, sự kết nối của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài còn khá lỏng lẻo. Thị phần dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp lớn của nước ngoài nắm giữ. Doanh nghiệp trong nước chỉ có khoảng 25% thị phần. Dù doanh nghiệp trong nước am hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng, họ chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực không đồng đều và đi sau các doanh nghiệp FDI về trình độ công nghệ. Chính vì thế, việc tăng kết nối và xây dựng hệ sinh thái cộng sinh với nhau và với doanh nghiệp FDI là cần thiết để “khơi thông dòng chảy” logistics.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – chia sẻ: Để cắt giảm chi phí logistics cần một kế hoạch vừa cụ thể, vừa tương đối bao quát, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trước hết, đó là hệ thống về hạ tầng, cơ sở vật chất cần được nâng cấp, hoàn thiện. Đặc biệt là sự kết nối giữa những phương thức vận tải cần được cải thiện, để tránh việc dồn quá nhiều vào một phương thức vận tải như đường bộ, trong khi đó không khai thác hiệu quả được các phương thức khác như đường sắt, đường thủy.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển. Mặt khác, doanh nghiệp logistics cũng cần có kế hoạch để chủ động nâng cấp dịch vụ, đáp ứng được chất lượng theo đúng yêu cầu của khách hàng. Qua đó phát triển thị trường trong nước và nước ngoài. Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI: Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp.