Tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hải Phòng và một số giải pháp phát triển TMĐT trong thời gian tới

Tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hải Phòng và một số giải pháp phát triển TMĐT trong thời gian tới

Phạm Hương – HPE
Thứ tư, ngày 11/03/2015 – 02:44 chiều

Ngày nay, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành một lĩnh vực có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Sự phát triển của TMĐT không chỉ làm thuận lợi hóa các hoạt động kinh doanh mà còn cung cấp nhiều giá trị mới và đáp ứng những nhu cầu mới của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chính vì vậy, mọi quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến việc đẩy mạnh phát triển TMĐT. TMĐT vừa là công cụ, vừa là môi trường để phát triển kinh tế, xã hội. 

Với các lợi thế phát triển kinh tế nổi bật như chính trị ổn định, nguồn nhân lực chất lượng, chính sách đầu tư thông thoáng, thị trường năng động, cơ cấu dân số trẻ, thì các doanh nghiệp thực sự có nhiều cơ hội để phát triển TMĐT. Các doanh nghiệp TMĐT của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng đã trưởng thành nhanh chóng trong những năm qua, góp phần quan trọng trong việc tạo ra thị trường TMĐT giàu tiềm năng hiện nay. TMĐT đã dần đi vào đời sống xã hội, trở thành một phần tất yếu trong nền kinh tế, đồng thời, đã bắt đầu thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp TMĐT thế giới đến thị trường Việt Nam. Với chính sách mở cửa và khuyến khích phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách nhằm nhanh chóng cải thiện hạ tầng công nghệ, pháp lý và nhân lực phục vụ hoạt động TMĐT. TMĐT ngày càng có đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với những thuận lợi kể trên, doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh với việc ứng dụng TMĐT. Hơn nữa, người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng hình thức mua hàng trực tuyến vì lý do thuận tiện và ít phức tạp hơn so với cách mua hàng thông thường. Những doanh nghiệp mới mở rộng phát triển theo hướng TMĐT có thể gặp đôi chút khó khăn, nhưng đối mặt và vượt qua những khó khăn này sẽ mang lại hiệu quả không hề nhỏ.

Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố cùng lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm TMĐT triển khai Chương trình khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn thành phố Hải Phòng, phục vụ công tác xây dựng Đề án Phát triển TMĐT thành phố giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030. Chương trình khảo sát được tiến hành bao gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và người tiêu dùng trên khắp 14 quận, huyện thành phố.

Trung tâm TMĐT đã tiến hành điều tra 556 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để nghiên cứu thực trạng ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp. Về kế hoạch ứng dụng TMĐT, có tới 327/556 (58,8%) doanh nghiệp chưa có kế hoạch thực hiện TMĐT trong tương lai gần, thậm chí có tới 19/556 (3,4%) doanh nghiệp khẳng định sẽ không thực hiện trong tương lai. Tuy nhiên vẫn có 37,8% doanh nghiệp đang có và sẽ thực hiện ứng dụng TMĐT trong tương lai. Có thể các doanh nghiệp không có kế hoạch ứng dụng rộng rãi TMĐT nhưng không nhiều thì ít, các doanh nghiệp cũng có những hoạt động trong lĩnh vực TMĐT như tìm kiếm thông tin (58,8%), thư điện tử (46%), quảng cáo trên Internet (25,5%), tham gia sàn giao dịch (5,6%), website TMĐT (19,4%).

Mặc dù tỷ lệ các doanh nghiệp có website TMĐT chỉ chiếm 19,4% nhưng tỉ lệ doanh nghiệp có website dưới những hình thức khác như website giới thiệu về doanh nghiệp chiếm tỉ lệ lớn hơn nhiều (41,2%). Trong đó, các doanh nghiệp có website chủ yếu xây dựng trong thời gian từ 2005 đến 2010 (50,2%) và giai đoạn từ 2011 trở lại đây (38,9%), trước năm 2005 chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (10,9%). So sánh tỷ lệ tính năng đặt hàng trực tuyến, Hải Phòng thấp hơn so với tỷ lệ điều tra bình quân cả nước, nhưng tỷ lệ tính năng thanh toán trực tuyến đạt mức tương đương của cả nước 8%. Theo đó có thể nhận thấy, tỷ trọng doanh số bán hàng qua kênh Internet của các doanh nghiệp cũng có sự chênh lệch đáng kể. Tỷ trọng doanh thu từ TMĐT dưới 15%  tổng doanh thu của doanh nghiệp chiếm 60% số lượng doanh nghiệp được điều tra. Mặt khác, tình hình các doanh nghiệp đã tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử còn khá thấp (8%) các doanh nghiệp đã tham gia Sàn giao dịch TMĐT, so với tỉ lệ chung của Việt Nam là từ 12 – 14%.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện khảo sát việc sử dụng và mua sắm qua Internet đối với 720 người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Thời gian trung bình người tiêu dùng sử dụng Internet trên 60 phút/ngày chiếm tới 73% số lượng điều tra. Và mục đích sử dụng Internet rất đa dạng, đáng chú ý có tới 60% người dân đã quan tâm đến tìm kiếm thông tin mua sắm hoặc mua sắm trên Internet. Tỷ lệ sử dụng Internet trong kinh doanh và tìm kiếm cơ hội kinh doanh là thấp nhất trong các mục đích sử dụng Internet của người dân. Hình thức thanh toán chủ yếu là sử dụng tiền mặt khi khách hàng nhận được hàng (48,3%). Chương trình khảo sát cho thấy sự đồng nhất với kết quả điều tra từ phía doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng, cụ thể là hình thức thanh toán bằng tiền mặt chiếm 48% số người được điều tra và chuyển khoản qua ngân hàng chiếm 26,7% là hai vị trí đứng thứ nhất và thứ hai. Các sản phẩm mà người tiêu dùng đặt mua qua mạng Internet cũng rất đa dạng bao gồm đồ dùng cá nhân, quần áo là nhiều nhất (44,3%), tiếp đến là đồ dùng gia đình (29,2%), đồ điện tử (18,3%). Tuy nhiên, những tồn tại như lừa đảo, chất lượng hàng hóa và sự chậm trễ trong giao hàng là những lí do khiến người tiêu dùng cảm thấy lo ngại nhất khi thực hiện mua sắm trực tuyến.

Qua các số liệu khảo sát nhận thấy rằng trình độ phát triển TMĐT còn khiêm tốn với tiềm năng thực sự của thành phố Hải Phòng, để đẩy mạnh việc phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, một số giải pháp cần thực hiện như sau:

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMĐT. Đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phổ rộng các khía cạnh TMĐT tới doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn thành phố thông qua các hoạt động truyền thông trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm, mạng xã hội và các hình thức khác.

Tổ chức hội thảo, một trong những giải pháp giúp các DN nhận thức tầm quan trọng của TMĐT trong SXKD

Đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT theo các địa bàn, lĩnh vực kinh doanh, theo chủ đề và theo trình độ phù hợp với thực tế.

Phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT và xây dựng kế hoạch ứng dụng phát triển TMĐT. Nhiệm vụ này phải được thực hiện hàng năm thông qua điều tra khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng TMĐT thành phố tạo cơ sở dữ liệu tin cậy phục vụ công tác hoạch định phát triển TMĐT.

Nâng cao năng lực quản lý hoạt động TMĐT trên địa bàn thành phố, đa dạng dịch vụ công trực tuyến hướng tới hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử cho thành phố tầm nhìn đến năm 2030. Chính quyền điện tử hoạt động hiệu quả là đưa các hoạt động của chính phủ, cơ quan chính quyền tới gần dân và ngược lại.

Nhìn chung, trong thời gian qua hoạt động ứng dụng TMĐT trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của doanh nghiệp và người dân về TMĐT đã được nâng cao qua các buổi hội thảo, lớp tập huấn, nhận thấy lợi ích và tầm quan trọng của TMĐT đối với hoạt động kinh doanh, quản lý. Tuy nhiên, để ứng dụng thành công TMĐT cần có sự chung tay và nỗ lực của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, đề ra những quyết sách đúng đắn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *