Kết nối đầu tư Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh Covid-19

Hơn 200 điểm cầu kết nối các doanh nghiệp, địa phương của 2 nước Việt Nam và Nhật Bản đã tham gia Hội thảo giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam – Nhật Bản 2020” nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư đến từ Nhật Bản, tiếp cận nguồn nguyên liệu chất lượng và thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Mở rộng đầu tư vào Việt Nam

Thông tin tại Hội thảo giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam – Nhật Bản” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 9/9, ông Takeo Nakajima – Trưởng đại diện Tổ chức Thương mại Nhật Bản Hà Nội (JETRO Hanoi) – cho biết, tính đến năm 2019, dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng, nhiều doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã chững lại, tuy nhiên, dòng vốn này sẽ phục hồi sau dịch.

ket noi dau tu viet nam nhat ban trong boi canh covid 19
Hội thảo giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam – Nhật Bản”

Lý giải về điều này, ông Nakajima cho rằng, một phần do Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới và đang từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã dự báo trong số các quốc gia Đông Nam Á, chỉ có duy nhất Việt Nam có thể tăng trưởng dương trong năm nay. Đây là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của toàn khu vực.

Hiện tại, không chỉ có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng đã tăng cường xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư ra các địa phương khác thay vì chỉ tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản – cho biết, dịch bệnh Covid-19 là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản chi khoản tiền 2,29 tỷ USD cho cải cách chuỗi cung ứng. Các công ty Nhật Bản gần đây mở rộng chuỗi cung ứng sản xuất tại các nước ASEAN, trong đó có 15 doanh nghiệp Nhật Bản chuyển sang đầu tư tại Việt Nam trên các lĩnh vực: Y tế, dụng cụ y tế, linh kiện điện tử, xe ô tô…

Theo đó, để thúc đẩy nhanh làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, các địa phương cần quan tâm thực hiện tốt các giải pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19; ổn định sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản nhập cảnh nhanh nhất vào Việt Nam; tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư Nhật Bản, hợp tác với các công ty/tổ chức tư vấn Nhật Bản và tăng cường các chương trình hội thảo, chuẩn bị nguồn nhân lực am hiểu ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư; tăng cường số lượng và chất lượng các bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản…

ket noi dau tu viet nam nhat ban trong boi canh covid 19
Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 2 ở Việt Nam

Địa phương tận dụng cơ hội thu hút đầu tư

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sản xuất linh kiện, phụ kiện tại các chuỗi cung ứng không đáp ứng theo kế hoạch của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn để các khu công nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản nhằm thu hút đầu tư phát triển tại một số địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An…

Tại hội thảo, ông Phạm Quang Thắng – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc – cho biết, ngoài việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của Chính phủ Việt Nam về miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, tỉnh Vĩnh Phúc có một số chính sách hỗ trợ như hỗ trợ chi phí lập hồ sơ, thủ tục giới thiệu địa điểm, quy hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí quảng cáo, chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…. Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết với các nhà đầu tư cung cấp đủ điện ổn định 24/24 giờ, bảo đảm hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; công khai, minh bạch quy trình, thủ tục đầu tư, các loại quy hoạch; thực hiện thủ tục hải quan, thuế điện tử nhanh gọn…

Về định hướng và lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong những năm tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch – dịch vụ theo hướng bền vững. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên đất và không thâm dụng lao động, trong đó, ưu tiên các lĩnh vực hạ tầng khu/cụm công nghiệp; cơ khí ô tô, xe máy; công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, xe máy; thiết bị điện, điện tử… Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc kêu gọi 72 dự án đầu tư theo các hình thức đầu tư trực tiếp, PPP, ODA, liên doanh.

ket noi dau tu viet nam nhat ban trong boi canh covid 19
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam – Nhật Bản 2020”

Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa hai nước để vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho rằng, việc tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản trong thời gian tới cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…

Tính đến cuối năm 2019, hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Tính lũy kế tình hình thu hút FDI đến cuối năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 59,3 tỷ USD, chiếm 16,7%.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *