Xuất khẩu tủ bếp và ghế sofa vào Hoa Kỳ: Đối diện nhiều rủi ro

Sau gỗ dán, nhóm mặt hàng tủ bếp và ghế sofa lại đối diện với nguy cơ cảnh báo rủi ro thương mại.

Cảnh báo gian lận xuất xứ

Báo cáo “Rủi ro trong gian lận thương mại các mặt hàng đồ gỗ: Trường hợp tủ bếp và ghế sofa” của nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Forest Trends và các Hiệp hội ngành gỗ vừa công bố mới đây đã đưa ra những cảnh báo rủi ro gian lận xuất xứ đối với các mặt hàng tủ bếp và ghế sofa.

Ghế sofa và bộ phận ghế sofa là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu (XK) cao nhất vào thị trường Hoa Kỳ. Năm 2017, Việt Nam XK mặt hàng ghế sofa sang thị trường này đạt hơn 356 triệu USD, năm 2019 là 975 triệu USD, 7 tháng đầu năm 2020, đạt hơn 611 triệu USD.

Mỗi năm có khoảng 380 doanh nghiệp (DN) trực tiếp tham gia XK ghế sofa vào Hoa Kỳ. Đặc biệt, số DN XK ghế sofa vào thị trường này tiếp tục tăng, năm 2019 là 378 DN, 7 tháng năm 2020 là 388 DN.

Tủ bếp cũng là một trong nhóm mặt hàng XK quan trọng của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Kim ngạch XK tủ bếp của Việt Nam sang thị trường năm 2018 đạt hơn 140 triệu USD; năm 2019 đạt hơn 219 triệu USD. 7 tháng đầu năm 2020 đạt 235,9 triệu USD, tăng 156% so với cùng kỳ 2019.

1739-ynh
7 tháng đầu năm, xuất khẩu tủ bếp vào Hoa Kỳ tăng 156% so với cùng kỳ 2019

Bình quân mỗi năm có khoảng trên 200 DN XK tủ bếp vào Hoa Kỳ. Số DN trực tiếp tham gia XK tủ bếp tiếp tục tăng, năm 2019 là 201 DN, 7 tháng năm 2020 là 207 DN.

Một thông tin rất đáng chú ý đó là, mức gia tăng kim ngạch nhập khẩu (NK) các mặt hàng thuộc nhóm bộ phận ghế ngồi từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến kể từ năm 2019. Năm 2017, kim ngạch NK ghế sofa và bộ phận ghế sofa từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 20,3 triệu USD, đến năm 2019 đạt gần 100 triệu USD, 7 tháng năm 2020 đạt hơn 61 triệu USD. Đối với mặt hàng tủ bếp, năm 2017 kim ngạch NK của Việt Nam từ Trung Quốc đạt hơn 28 triệu USD, đến năm 2019 đạt hơn 92,2 triệu USD, 7 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 74,5 triệu USD.

TS. Tô Xuân Phúc – Chuyên gia Tổ chức Forest Trend – cho hay, có một số tín hiệu gian lận thương mại ở mặt hàng ghế sofa XK từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Giá trị XK của mặt hàng này từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc bắt đầu. Cùng thời điểm, giá trị kim ngạch XK của mặt hàng ghế sofa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh, thậm chí ở mức đột biến. Giá trị kim ngạch NK mặt hàng ghế sofa, hoặc các bộ phận hình thành mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng mạnh. “Mức thuế cao áp dụng cho các sản phẩm gỗ của Trung Quốc XK vào Hoa Kỳ, trong đó có ghế sofa và tủ bếp, làm phát sinh gian lận thương mại khi các công ty này dịch chuyển đầu tư của họ sang Việt Nam, sử dụng Việt Nam làm quốc gia XK nhằm tránh thuế, trong khi không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ” – ông Tô Xuân Phúc nói.

Kiểm soát chặt dự án FDI

Lấy dẫn chứng về mặt hàng tủ bếp, ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lâm Việt – cho biết, thị trường Hoa Kỳ có quy mô lên đến 5-7 tỷ USD/năm, nhưng chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất XK. Từ năm 2015, một số DN Đài Loan, sau đó đến năm 2018 có DN Việt Nam bắt đầu gia nhập, thị trường dần cạnh tranh hơn. Mặc dù vậy, trong số 200 DN tại Việt Nam XK mặt hàng này sang Hoa Kỳ, có đến 85% là DN FDI của Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. 9 tháng đầu năm, dù chịu tác động của dịch Covid-19, vẫn có 12 dự án FDI ngành gỗ từ Trung Quốc và 10 dự án từ Hong Kong đầu tư vào Việt Nam.

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) – nêu quan điểm, chưa bình luận việc có gian lận hay không trong nhóm mặt hàng ghế sofa. Kể cả việc chúng ta có làm rất đúng thì từ góc độ của Hoa Kỳ họ cũng buộc phải nghi ngờ. Do đó, XK gỗ vào thị trường này nhiều nguy cơ sẽ bị điều tra về gian lận xuất xứ.

“Đối với ngành gỗ, khi Hoa Kỳ NK vào, họ không quan trọng C/O do Việt Nam cấp mà đây là nghĩa vụ của nhà NK. Với quy định như vậy của Hoa Kỳ, chúng ta cần nghiên cứu, chỉ ra những tồn tại và có các giải pháp cho cơ quan quản lý nhà nước, DN để giảm thiểu nguy cơ này” – ông Trung nhấn mạnh.

Đối với từng vụ việc cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại đều có sự phối hợp giải trình với các cơ quan ở nước ngoài, hỗ trợ các DN trong vấn đề giải trình. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thực thi như: Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu, cơ quan cấp CO, thông tin cụ thể về mặt hàng, các DN có nguy cơ gian lận xuất xứ để tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Xuất khẩu tủ bếp và ghế sofa từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, nhưng ẩn chứa rủi ro gian lận xuất xứ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *